Năm học 2018 sẽ có nhiều môn học mới

(PLO) - Chiều 12/4, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh trước khi thực hiện chính thức…

Chương trình GDPT tổng thể có điểm mới là phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh (đặc biệt là ở cấp THPT). Ngay từ lớp 10, học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp.

Theo đó, hệ thống các môn học của chương trình GDPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học.

Môn học bắt buộc có phân hoá: là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđum), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tuỳ theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng cơ sở giáo dục.

Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp học sinh.

Môn học tự chọn bắt buộc là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình GDPT.

Cụ thể, các môn ở các cấp học:

Ở cấp tiểu học: Các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của HS tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Ở cấp THCS: Các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT: Dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, thiết kế và công nghệ, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: tin học, giáo dục thể chất, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Lên đến lớp 11 và 12, các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn bắt buộc: HS chọn 3 môn và một chuyên đề học tập trong số các môn: giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, chuyên đề học tập. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết: Với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GDPT, chương trình sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Ở cấp tiểu học, thay đổi chủ yếu là việc bố trí học môn tin học từ lớp 1 và ngoại ngữ từ lớp 3. Ở một số địa phương có điều kiện, nếu cha mẹ học sinh có nguyện vọng, vẫn có thể tổ chức dạy ngoại ngữ từ lớp 1.

Ở bậc THCS, chương trình học sẽ giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.       

Điểm thay đổi nhiều nhất là ở THPT. Nếu trong chương trình THPT hiện nay, học sinh phải học quá nhiều môn thì chương trình mới thực hiện giáo dục phân hoá, bảo đảm cho học sinh được tiếp cận nghề nghiệp để học có chất lượng sau GDPT, như quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội. Cụ thể, ở lớp 11 và 12, ngoài 4 môn bắt buộc là giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất, ngoại ngữ 1 và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh được tự chọn 5 môn trong số 14 môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp tương lai.

Năm 2018, sẽ thực hiện Chương trình, SGK mới theo chương trình tổng thể này. 

Đọc thêm