Anh H (32 tuổi, Hà Nội) tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) khám trong tình trạng trên người có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng, kèm những vết ngoằn nghèo như giun bò.
Bệnh nhân kể thường xuyên bị ngứa dữ dội. Anh đã đi khám tại các bệnh viện da liễu và dùng thuốc dị ứng hơn chục năm nhưng không thấy bệnh khỏi dứt điểm.
Theo TS.BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân H. có chỉ số Elisa dương tính với giun đũa chó mèo và bạch cầu ái toan tăng, kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da. Trước đây, sau mỗi lần dùng dùng thuốc chống dị ứng, bệnh nhân chỉ giảm triệu chứng ngứa chứ không được điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện thường trực Đặng Văn Ngữ đã kê thuốc điều trị bệnh đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng dưới da và các triệu chứng ngứa cho anh H. Sau một thời gian điều trị, anh H. giảm hẳn ngứa.
Anh H. thích chó và nuôi chó hơn chục năm nay. Anh không nghĩ lại lây bệnh từ thú cưng của mình.
Tương tự anh H, chị Phạm Thị D. (40 tuổi, Hưng Yên) cũng xuất hiện những cơn ngứa, nhiều vết trầy xước trên da suốt 5 năm. Mỗi lần gãi, chị D bị nhiều tổn thương trên da, tay và chân đều bị trầy xước. Chị D đi khám da liễu nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc nhưng bệnh không hết.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác Bệnh viện Đặng Văn Ngữ chẩn đoán chị D. cũng nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi. Gia đình chị D nuôi 2 con mèo Anh lông dài 5 năm nay.
Sau một liệu trình điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, các đợt ngứa của chị D đã thưa hẳn.
TS.BS Trần Huy Thọ cho biết, anh H và chị D vẫn phải tái khám để đánh giá mức độ đáp ứng điều trị bệnh.
Các tổn thương do nhiễm giun đũa từ chó, mèo. Ảnh: BVCC. |
Nhiều người, nhất là ở khu vực thành thị, nuôi chó, mèo cảnh và có thói quen chơi cùng, ngủ cùng thú cưng. Phó giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cảnh báo, đây là điều kiện tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo. Người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da kéo dài. Khi ngứa bệnh nhân sẽ gãi và tổn thương lan rộng bởi không phải lúc nào người bệnh cũng ý thức được phải rửa sạch tay mới gãi. Đầu móng tay bẩn là môi trường để vi khuẩn xâm nhập thêm vào cơ thể...
Đa số mọi người khi bị ngứa thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch... Nhiều bệnh nhân điều trị da liễu tới 5 năm, 10 năm nhưng không khỏi. Khi bệnh nhân tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám mới phát hiện nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo. Qua 1-2 liệu trình điều trị loại bỏ giun đũa, giun móc và ấu trùng, các bệnh nhân giảm hiệu quả triệu chứng ngứa.
Cũng theo TS.BS Trần Huy Thọ, giun đũa chó, mèo chỉ là vật ký sinh ở chó, mèo. Khi vào cơ thể người, chúng sẽ không có chu kỳ sinh sản vì vậy, không thể tìm thấy trứng hay ấu trùng của giun đũa chó, mèo trong phân người. Chỉ có thể tìm thấy kháng thể của giun đũa chó, mèo trong máu bệnh nhân, kèm theo một số chỉ số bạch cầu ái toan tăng và triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán và điều trị bệnh.
"Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, người dân không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Nên tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người", TS.BS Trần Huy Thọ khuyến cáo. "Khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng có thể tìm tới các cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng khám và điều trị để dứt điểm bệnh sớm".