Hiện nay nhiều sông, hồ ở Nam trung bộ đã cạn trơ đáy. Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết, lượng nước trữ trong các ao, hồ thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ đạt 43,35% dung tích thiết kế. Tính từ đầu năm đến nay, có 90.000 nhân khẩu thuộc huyện Hàm Tân thiếu nước sinh hoạt từ ngày 25/2. Toàn tỉnh Bình Thuận phải cắt giảm không sản xuất 15.423ha lúa và hoa màu vụ Đông Xuân 2015 – 2016.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tình trạng khô hạn kéo dài từ năm 2014 đến nay đã khiến lượng nước trên các hồ, đập, sông, suối trên địa bàn tỉnh thiếu hụt, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Theo ông Huỳnh Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Sở TN&MT Ninh Thuận, việc tìm kiếm nguồn nước dưới đất nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho dân không đơn giản, nếu làm không tốt sẽ gây lãng phí cho người dân. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã kiến nghị Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả để cùng với tỉnh giải quyết cho được vấn đề nước cho tỉnh. Trong đó, không chỉ đầu tư hồ, đập mà quan trọng hơn là kết nối, điều tiết, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn nước trong phạm vi tỉnh và cả vùng, thậm chí là toàn quốc.
Tại tỉnh Lâm Đồng đã xuất hiện tình trạng hạn hán cục bộ tại một số địa phương với diện tích gần 1.000ha; nguy cơ cháy rừng đang ở cấp 5, mức cực kỳ nguy hiểm. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ có khoảng 31.600ha đất sản xuất bị thiếu nước. Riêng nước sinh hoạt thì nhiều công trình không đáp ứng đủ nhu cầu, bị hư hỏng, xuống cấp nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt với trên 1.000 hộ và dự báo tiếp tục có khoảng 4.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm và 121 tỷ đồng kinh phí chống hạn; đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư các công trình thủy điện lớn trên địa bàn biện pháp vận hành, điều tiết hợp lý để đảm bảo nước tưới cho vùng hạ du, đồng thời sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa các công trình thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai để Lâm Đồng có điều kiện ứng phó với tình hình khô hạn, ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.