Nan giải rác thải xâm lấn điểm du lịch

(PLVN) - Những năm qua, du lịch trong nước đã có nhiều đột phá cả về chất lẫn lượng, tuy nhiên một trong những vấn đề nan giải là hiện tượng rác thải xâm lấn điểm du lịch. 
Bãi tắm Đồi Dương nổi tiếng của thị xã La Gi này đang dần thành… bãi rác

Thắng cảnh ngập trong rác

Dịp hè về, các bãi biển ở khu vực thị xã La Gi (Bình Thuận) - địa điểm du lịch cạnh Sài Gòn, Vũng Tàu đang được giới trẻ yêu mến gần đây có đông đảo người dân lẫn du khách đến tắm biển. Tuy nhiên, thời điểm này, bãi biển Đồi Dương - bãi biển dành riêng để tắm ở khu vực cạnh trung tâm thị xã đang khiến cả người dân lẫn du khách ngao ngán bởi sự xâm lấn của rác thải. 

Cả một bờ biển chạy dài hàng mấy cây số chật kín rác thải sinh hoạt, đến mức người đến tắm biển khó khăn lắm mới tìm ra chỗ không có rác để ngồi xuống ngắm biển. Mỗi một cơn gió nổi lên, rác bay tứ tán từ chai lọ, túi, bọc, giày dép, thức ăn… Không ít người dân cho biết, đi chân trần trên cát ở khu vực này rất nguy hiểm, vì bất cứ lúc nào cũng có thể giẫm phải gai nhọn từ các que xiên thịt, mảnh vỡ chai lọ… 

Không chỉ thế, các rặng phi lao sát biển trước kia đẹp nổi tiếng với hàng phi lao cổ thụ dày san sát, địa hình đồi dốc thoai thoải, là nơi cắm trại lý tưởng của du khách trong vùng, nay cũng xác xơ vì không được chăm sóc và cũng ngập trong rác. 

Tại thị xã du lịch này hiện đang có một bãi tắm mới mở rất sạch đẹp, khung cảnh hữu tình trên trục đường Hùng Vương. Người dân và du khách thấy sự xuống cấp của bãi tắm Đồi Dương đã dời sang địa điểm này để thưởng cảnh, tắm biển. Tuy nhiên, nhiều người đang lo lắng bởi bãi tắm còn hoang sơ chỉ mới hình thành vài tuần đã bắt đầu thấy rác thải xuất hiện.

Nhiều điểm đến nổi tiếng khác trong cả nước cũng chứng kiến cảnh tượng đáng buồn tương tự. Tại Ninh Thuận, nơi có những bãi biển hoang sơ, đẹp đẽ cũng bị hoen ố bởi hình ảnh của rác thải: Cà Ná, Ninh Chữ, Bình Tiên… Bãi Bình Sơn - Ninh Chữ với eo biển rất đẹp nhưng lại bị ví như “túi gom rác”, với lượng rác thải không nhỏ đổ ra hàng ngày từ hai đầu Đông Hải và Tri Thủy. 

Tại Quảng Bình, điểm du lịch bãi Đá Nhảy nổi tiếng cũng bị phản ảnh đang biến dần từ bãi biển thành… bãi rác bởi sự tập kết rác thải của người dân khu vực chung quanh, thậm chí người dân còn ngang nhiên mang cả xe tải đến đổ rác nơi đây. 

Xử lý không triệt để

Nguyên nhân của hiện tượng rác thải “xâm chiếm” thắng cảnh, rất rõ ràng là sự thiếu ý thức từ người dân. Nhưng mặt khác, nó cho thấy sự bất lực của chính quyền trong việc quản lý người dân, du khách ứng xử với thắng cảnh địa phương. Như câu chuyện về các bãi biển tại thị xã La Gi đã nói trên. Chuyện bãi rác xuất hiện trên bãi tắm đã có từ nhiều năm nay, nhưng không được xử lý triệt để nên tình trạng này cứ kéo dài. 

Năm 2019, một nhóm những người trẻ ở địa phương lập nhóm Eco Lagi, phối hợp với một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn thị xã để tiến hành các hoạt động thu gom rác thải trên bờ biển kết hợp các hoạt động khác để nâng cao ý thức người dân. Tuy nhiên, khi hoạt động này kết thúc thì… rác lại trở lại như cũ.

Đồng thời, nhiều người dân có ý thức chung quanh cũng cho biết, họ đã tự mua sắm thùng rác nhựa, đóng thùng rác gỗ để người đến tắm biển bỏ rác, thời gian đầu cũng khá hiệu quả nhưng một thời gian… thùng rác đều biến mất. Hay như tại bãi biển Đá Nhảy của tỉnh Quảng Bình, hiện tượng người dân tiến hành đổ rác thải số lượng lớn tại đây diễn ra công khai và kéo dài, nhưng địa phương này vẫn… nhắm mắt cho qua suốt nhiều năm.

Rõ ràng, địa phương nào cũng ra rả các thông điệp “điểm đến tiềm năng”, cũng thúc đẩy các dự án du lịch lớn nhỏ thông qua các kênh đầu tư, quảng bá hình ảnh địa phương mình bằng nhiều cách. Thế nhưng, có những điều rất đơn giản lại không được ngó ngàng tới. Trong khi, các địa phương hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, đó có lẽ cũng nên đưa vào một trong những nội dung của việc xúc tiến du lịch, đầu tư phát triển du lịch.

Cho dù quảng bá có hay đến đâu, cảnh có đẹp như thế nào, nhưng với những thắng cảnh ngập rác, khó lòng có thể giữ chân được du khách. Không những thế, về lâu về dài, lượng rác thải ngày một tăng lên sẽ có thể hủy hoại thắng cảnh, khiến thắng cảnh không thể cứu vãn lại vẻ đẹp ban đầu. 

Nhiều du khách đến Cù Lao Thới Sơn, một điểm du lịch có tiếng tại tỉnh Tiền Giang đều ngạc nhiên trước sự sạch sẽ của hòn đảo du lịch nhỏ này. Tỉnh Tiền Giang đã lập ra nhiều câu lạc bộ tuyến điểm sinh hoạt thường xuyên các nội dung tuyên truyền chính sách pháp luật về du lịch, vệ sinh môi trường.

Các cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch địa phương cũng thường xuyên được tập huấn về công tác bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan và yêu cầu hướng dẫn du khách. Cạnh đó, việc đầu tư, phân bổ hợp lý thùng rác công cộng, điểm thu gom rác thải, nhà vệ sinh công cộng cũng giúp cho các điểm du lịch hạn chế lượng rác thải vứt lung tung.

Hay như thành phố biển Nha Trang, người dân địa phương đều được tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn hình ảnh đẹp cho chính thành phố nơi họ sinh sống, yêu thương. Còn khá nhiều điểm du lịch trên cả nước “nói không” với rác thải. Làm được điều này, tất yếu đều có hai yếu tố: Sự quản lý sát sao, hiệu quả của địa phương và ý thức người dân.

Đọc thêm