Nhiều địa phương ô nhiễm nặng
Việc khai thác, đánh bắt, các hoạt động du lịch, nguồn xả thải ở các khu công nghiệp, khu dân cư… đã tạo áp lực rất lớn lên môi trường biển. Không ít bãi biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Ninh Thuận, Phan Thiết, Kiên Giang… bị ô nhiễm. Đi dọc bờ biển Nam Định theo đường ven đê biển từ Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy), qua xã Hải Lý (huyện Hải Hậu), đến thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng), tại các bến đỗ, tàu bè nhỏ của ngư dân tập trung neo đậu đông đúc, nhưng rác thải tràn ngập trên bãi cát, trên mặt nước.
Tại xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) không có đất nông nghiệp, nhưng có tới 18 nghìn nhân khẩu sống bằng nghề khai thác hải sản. Song họ cùng với người dân xã Minh Lộc ở bên cạnh lại thiếu ý thức, khiến rác thải nhựa, rễ cây, xác động vật trôi lềnh bềnh trên mặt nước và lẫn trong mắt lưới đánh bắt của ngư dân. Chính quyền địa phương đã vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, khuyến khích ngư dân sử dụng thùng đựng rác trên các hành trình khai thác, rồi mang về tập kết để xử lý, nhưng không phải ai cũng chấp hành.
Tình nguyện viên dọn rác ở bãi biển Nam Định (ảnh Nguyễn Thế Hùng) |
Theo các cơ quan chức năng, Việt Nam đứng thứ 17 thế giới về xả chất thải rắn ra biển, với 13 triệu tấn/năm, trong đó có nhiều chất thải nguy hại ngành công nghiệp, hóa chất, luyện kim. Nhìn nhận về vấn đề này, giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, ô nhiễm chẳng những làm mất vẻ đẹp của cảnh quan biển và trên bờ mà còn làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo, đồng thời làm nghèo kiệt các loài sinh vật.
Nguy hại hơn, các chất ô nhiễm đó lại được các loài cá tôm ăn vào, mang trong mình mầm bệnh, rồi con người ăn phải, dẫn đến nguy cơ mắc phải nhiều bệnh, thậm chí bệnh ung thư. “Con người là thủ phạm cũng là nạn nhân của ô nhiễm biển”, giáo sư Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.
Có luật nhưng chưa tuân thủ
Những năm qua các quy định về bảo vệ môi trường ven biển đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản và nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành. Đặc biệt Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam, rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý rác trên biển.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội nuôi biển Việt Nam, chúng ta chưa tận dụng được hết lợi thế và tiềm năng tài nguyên biển trong phát triển kinh tế. Ngay trong công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Cuối năm 2019, Chính phủ đã có Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, theo đó tăng tính bảo vệ từ cộng đồng, kết hợp vừa khai thác nguồn lợi hải sản, vừa bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quý giá. Để đạt được mục tiêu, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần sự chung tay của cộng đồng, nhất là người dân ven biển, đang khai thác và sống dựa vào nguồn lợi biển khơi.
Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, các mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường đã được tính toán rất rõ ràng. Đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông.
Đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy…
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, đã nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng trước vấn đề hành động bảo vệ môi trường biển, đồng thời đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương. “Chỉ khi rõ người, rõ việc và trách nhiệm ở tất cả các cấp, mới mong môi trường biển được cải thiện”, ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam chỉ ra.
Mục tiêu là vậy nhưng để đạt được kết quả cao, lúc này cần song hành rất nhiều nhiệm vụ, cụ thể như: Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni-lông sử dụng một lần đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển.
Tiếp theo là nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển; Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.