Trong thời gian nghỉ dịch vừa qua, nhận thấy ở trường việc thu gom rác, bụi bẩn mất khá nhiều thời gian và công sức, thầy Tùng trăn trở làm thế nào để hỗ trợ người lao công hoàn thiện công việc một cách tốt nhất, đảm bảo môi trường xanh – sạch – đẹp cho ngôi trường, cải thiện không khí vui chơi, học tập cho trẻ.
Thầy Tùng bắt đầu lên ý tưởng, tự tìm tòi, học hỏi qua mạng để làm ra chiếc xe gom rác đạt hiệu quả cao nhất. Các thiết bị gồm có bánh xe đạp cũ, sên dĩa, nhông xích xe máy, miếng tôn, bạt bi trục xoay... Nguyên lý hoạt động của xe cũng rất đơn giản, người lao công tiến hành đẩy xe, từ đó chổi quét phía dưới sẽ quét đất, cát, lá cây lên băng chuyền và băng chuyền sẽ đẩy rác thải vào thùng đựng. Khi đầy thùng đựng thì người lao công có thể dễ dàng tháo ra, lắp vào nhằm hỗ trợ di chuyển rác đến nơi tập kết rác của trường.
“Tôi lên ý tưởng trong vòng 1 tuần, từ đó đi xin một số vật liệu cũ của xe máy mà người khác không sử dụng, sau đó về tái chế lại. Xe gom rác này có điểm đặc biệt là có băng chuyền nên thùng đựng có thể thiết kế thể tích lớn hơn. Vì vậy số lượng rác mình thu gom được cũng nhiều hơn, đỡ mất công người lao công phải làm công việc nhiều lần.”, thầy Tùng chia sẻ.
Rác được thu gom sẽ được đẩy lên băng chuyền và đổ vào thùng. |
Chiếc xe thu gom rác tái chế này có giá thành chưa tới 1 triệu đồng và thân thiện với môi trường nhờ sử dụng các vật liệu tái chế. Xe cũng có tính cơ động cao khi người lao công dễ dàng điều khiển quanh sân trường.
Tuy nhiên, thầy Tùng cho biết, khi đưa xe gom rác vào hoạt động vẫn còn 1 số hạn chế như: băng chuyền làm từ bạt nên dễ hư hỏng và thời gian sử dụng thấp, lúc thu gom rác bụi bẩn xung quanh vẫn còn khá nhiều. Vì vậy trong thời gian tới, thầy Tùng dự tính sẽ lắp thêm 2 máy phun nước chạy bằng pin năng lượng mặt trời để hạn chế tối đa bụi bẩn từ rác thải, giúp không khí trong lành.
Từ khi xe thu gom rác được đưa vào sử dụng, các học sinh trong trường cũng vô cùng thích thú và thường xuyên hỗ trợ người lao công đẩy xe thu gom rác quanh sân trường.
“Việc sử dụng xe thu gom rác này cũng một phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho các em, khơi dậy sự sáng tạo, tìm tòi, học hỏi cho các em trong môi trường học hiện nay. Có hôm một số em còn đến từ sớm để hỗ trợ người lao công thu gom rác”, thầy Tùng nói.
Trong thời gian vừa qua, các thầy cô giáo của trường cũng tiến hành làm các bồn rửa tay di động, thùng chứa rác từ vật liệu cũ, tôn, để góp phần hoàn thiện cảnh quan ngôi trường, hỗ trợ môi trường học tập, vui chơi của các em một cách tốt nhất.
Đây là một sản phẩm hay và ý nghĩa dành cho cộng đồng khiến thành phố Huế trở nên xanh - sạch - đẹp. Việc làm này cần nhân rộng để lan tỏa đến nhiều cá nhân, tổ chức, khơi dậy sự sáng tạo, khám phá và làm nên cái mới, cái hay trong mỗi người.