Những tai nạn thương tâm
Đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) được thiết kế với 4 làn xe hai chiều, tốc độ lưu thông tối đa 80km/h, đoạn cầu nhánh 60km/h. Đây là tuyến đường chỉ dành cho ô tô, lực lượng chức năng đặt biển cấm xe gắn máy, xe mô tô, xe đạp người đi bộ. Nhưng lâu nay vẫn xuất hiện tình trạng người đi xe máy trên tuyến đường này, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng.
Nguyên nhân được nhiều người dân đưa ra khi bất chấp biển cấm là sợ muộn làm, muộn học khi phải vượt qua đoạn ùn ứ kéo dài Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Xe máy đi vào đường dành cho ô tô không chỉ nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển mà cả những phương tiện xung quanh.
Tài xế H.Chung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết anh thường xuyên bắt gặp hình ảnh xe máy “giành” đường ô tô trên Vành đai 2 trên cao. “Làn đường có tốc độ lưu thông tối đa 80km/h nhưng xe máy lưu thông vẫn tạt đầu, luồn lách, đánh võng trên đường vành đai trên cao”.
Tương tự, trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long, làn đường ô tô trên cầu Vĩnh Tuy… tình trạng xe máy cố tình đi vào đường cấm cũng khá phổ biến.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến thương vong xảy ra. Ngày 14/2/2024, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, vụ va chạm giữa 1 xe ô tô và 2 xe mô tô đã khiến 4 người tử vong tại chỗ. Trong vụ việc này, cả 4 thanh, thiếu niên đi xe máy ngược chiều trên cao tốc đều tử vong. Được biết, ngoại trừ ô tô, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có biển cấm xe máy và một số phương tiện khác lưu thông. Đoạn cuối cao tốc này dẫn tới Cửa khẩu Kim Thành mới được cắm biển nâng giới hạn tốc độ tối đa lên 90km/h.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức ra quân, mở nhiều đợt cao điểm xử lý nghiêm các vi phạm. Tại tuyến đường Vành đai 2, sau Tết Nguyên đán, Đội Cảnh sát giao thông số 3 thường xuyên lập chốt để xử lý vi phạm. Mỗi ca xử lý trung bình 10 - 15 trường hợp. Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng ghi nhận nhiều lái xe liều lĩnh quay đầu đi ngược chiều, bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng. Mới đây, đội Cảnh sát giao thông số 11 cũng đồng loạt ra quân xử lý nghiêm hàng trăm xe máy cố tình đi vào làn cao tốc trên đại lộ Thăng Long.
Mặc dù mức phạt với hành vi trên hiện nay được cho không phải là thấp, tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, nhiều người vẫn vi phạm. Trước tình trạng trên, Phòng Cảnh sát giao thông đã đề nghị sự phối hợp vào cuộc của lực lượng Công an phụ trách địa bàn, lực lượng Thanh tra giao thông cùng tham gia xử lý. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đề xuất lắp camera “phạt nguội”.
Chia sẻ với truyền thông, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Việc lắp đặt camera “phạt nguội” thì nên có, vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa giám sát để có căn cứ xử lý các vi phạm, không chỉ ô tô mà cả mô tô. Từ đó mới nâng cao được ý thức tự giác của người tham gia giao thông”.
Trước các ý kiến cho rằng việc “phạt nguội” sẽ gặp nhiều khó khăn bởi một tỷ lệ không nhỏ người dân vẫn đi xe máy không chính chủ, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, hiện tại Thông tư 24 của Bộ Công an đã hướng dẫn người đi xe chính chủ để chuyển chủ sở hữu chính chủ. Để việc “phạt nguội” phát huy hiệu quả, cần có điều tra cơ bản, phối kết hợp công an địa phương, cảnh sát khu vực khảo sát người dân nào đang đi xe chưa chính chủ, thì hướng dẫn họ chuyển đổi giấy tờ, để đồng bộ cùng với Đề án 06 dữ liệu về dân cư. Nếu làm tốt thì mới bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn giao thông và có căn cứ để xử phạt.
Bên cạnh các giải pháp trên, Phòng Cảnh sát giao thông khuyến cáo, người điều khiển xe máy cần chấm dứt vi phạm để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính bản thân, người tham gia giao thông và toàn xã hội.