Câu chuyện của một nữ tù nhân
Năm 1996, Michelle Ortiz đã gia nhập vào danh sách những người bị lạm dụng tình dục trong hệ thống nhà tù của Mỹ khi cô bị một cán bộ tại Trại cải tạo dành cho phụ nữ bang Ohio có trụ sở đặt tại thành phố Marysville, bang Ohio hãm hiếp. Đêm 7/11 năm đó, viên quản ngục Douglas Shultz đã vào phòng giam của Ortiz và bắt đầu sờ mó khắp người cô trước khi bỏ đi cùng lời đe dọa: “Ngày mai tôi sẽ có cô, cứ đợi mà xem”.
Hoảng sợ trước lời nói của viên quản ngục, Ortiz đã báo cáo về hành vi của Shultz tới Paula Jordan – người quản lý trại cải tạo – nhưng Jordan lại bỏ ngoài tai lời nói của cô. Jordan nói với Ortiz rằng Shultz chỉ là một ông già bẩn thỉu, và rằng ông ta sẽ sớm bị đưa ra khỏi trại. Tuy nhiên, đêm sau đó, Shultz đã làm đúng như lời hắn nói. Ngày 8/11, hắn đã quay trở lại phòng giam nơi Ortiz đang ngủ và hãm hiếp cô.
Một lần nữa, Ortiz lại trình báo về vụ tấn công. Rebecca Bright – một nhà điều tra tại trại cải tạo – được giao nhiệm vụ tìm hiểu về vụ việc. Song, việc đầu tiên mà nhà điều tra này thực hiện sau khi tiếp quản vụ việc lại là còng tay Ortiz lại và đưa vào phòng biệt giam, giam cô trong 5 ngày liên tiếp mà không được chăm sóc y tế, thậm chí còn không có chăn ấm để dùng. Giới chức nhà tù cho rằng việc đưa các nạn nhân bị tấn công vào phòng biệt giam là phù hợp theo thủ tục chuẩn nhưng với những nạn nhân bị hãm hiếp – vốn cần phải được chăm sóc cả về mặt y khoa lẫn tâm lý – thì việc bị đối xử như vậy rõ ràng là hành vi vô nhân đạo.
Ít ngày sau, Ortiz được đưa ra thực hiện 3 cuộc kiểm tra trước máy phát hiện nói dối. Mỗi lần như vậy cô đều vượt qua một cách dễ dàng. Cũng trong thời gian đó, viên quản ngục Shultz được chuyển công tác sang một nhà tù dành cho nam và đến khi Ortiz đệ đơn tố cáo hình sự chống lại hắn thì viên cai ngục này đột ngột biến mất, không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Tại thời điểm bị tấn công, Ortiz đang thụ án 1 năm tù giam vì tội dùng dao đâm chồng. Hành vi của Ortiz sau đó được xác định là nhằm mục đích tự vệ do người chồng đã liên tục đánh đập cô, có lần đến gãy tay, khiến cô luôn trong tình trạng lo sợ cho sự an toàn của bản thân và 5 đứa con. Mặc dù vậy nhưng Ortiz vẫn bị tống giam, bỏ lại 5 đứa con bơ vơ.
Những số liệu giật mình
Điều đáng buồn và ngạc nhiên là câu chuyện bị hãm hiếp trong thời gian ngồi tù của Ortiz lại không phải là trường hợp duy nhất và cũng không phải là câu chuyện đã lỗi thời. Tình trạng các tù nhân bị bạn tù hay các nhân viên của nhà tù hãm hiếp từ lâu đã trở nên phổ biến tại nước Mỹ. Theo ước tính của Tổ chức Theo dõi nhân quyền năm 2010, ít nhất 140.000 tù nhân tại Mỹ đã bị hãm hiếp sau cánh cửa phòng giam.
Trong khi đó, báo cáo có tiêu đề “Tình trạng tấn công tình dục trong các nhà tù và trại giam do các tù nhân báo cáo” của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2012, khoảng 4% tù nhân tại các nhà tù cấp bang và liên bang ở nước này đã trình báo về việc họ bị 1 nhân viên hay một tù nhân khác tấn công tình dục một hoặc 2 lần trong vòng 12 tháng trước được phỏng vấn, với riêng năm 2011 đã có khoảng 200.000 tù nhân bị bạn tù hoặc các cán bộ tại nhà giam lạm dụng tình dục. Trước đó, Bộ này cho biết trong năm 2008, có hơn 209.400 người là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục trong các nhà tù, phòng giam và các trại giáo dưỡng dành cho người chưa thành niên.
Xa hơn nữa, Cục Nhà tù liên bang Mỹ năm 1992 ước tính khoảng 9 đến 20% các tù nhân đã bị tấn công tình dục. Trong khi đó, các nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn từ năm 1982 đến năm 1996 đều cho rằng tỉ lệ này rơi vào khoảng từ 12 đến 14%. Một khảo sát được thực hiện vào năm 1996, là năm Ortiz bị tấn công, kết luận 18% các vụ việc tấn công tình dục trong nhà tù do các nhân viên làm việc ở đó thực hiện. Tình trạng này phổ biến đến nỗi việc lạm dụng tình dục được cho là một phần kinh nghiệm ở tù của Mỹ.
Theo các số liệu thống kê, một số nạn nhân của vấn nạn trên đã bị buộc phải thực hiện các hành vi tình dục để đổi lấy việc được cấp các đồ dùng vệ sinh cá nhân hay để tránh bị phạt, trong khi còn nhiều người cho biết họ đã bị người khác tấn công tình dục và buộc phải cam chịu.
Riêng trong vụ việc của Ortiz, trong một cuộc điều tra về nạn tấn công tình dục tại Trại cải tạo dành cho phụ nữ ở bang Ohio, nơi cô đã thi hành án và bị tấn công, qua đơn thư từ những người tố cáo và việc phỏng vấn các tù nhân, Tổ chức Dừng nạn hãm hiếp tù nhân (SPR) phát hiện tại cơ sở này tình trạng hãm hiếp, đe dọa, tấn công tình dục hay gạ đổi tình dục lấy các đặc ân từ lâu đã trở nên phổ biến.
Bên cạnh đó, cơ sở này bị cáo buộc thường xuyên đưa những phụ nữ tố cáo về hành vi lạm dụng tình dục trong trại giam vào một “cái lỗ”, nơi họ phải đối mặt với điều kiện sống khắc nghiệt hơn nhiều so với việc bị tạm giam bình thường, trong đó có việc bị biệt giam đến 23 giờ mỗi ngày và bị tước bỏ các đặc ân trong tù như trường hợp của cô gái này. Những biện pháp trừng phạt như vậy khiến các nạn nhân bị nhụt chí và từ bỏ ý định tố cáo về vụ tấn công xảy ra với họ, từ đó có thể bảo vệ những kẻ tấn công, vốn là những nhân viên của nhà tù. Song, “văn hóa im lặng và từ chối” cũng như việc không có những phản ứng phù hợp vẫn được giới chức nhà tù này từ lâu áp dụng.
Liệu có giải quyết được vấn đề?
Phần lớn các tù nhân của Mỹ sống trong những nhà tù đông đúc, với điều kiện sống nhiều khi vô cùng tồi tàn mà theo một phán quyết được Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra năm 2011, điều kiện sống của các tù nhân tồi đến mức trở thành hình phạt tàn nhẫn và bất thường đối với họ, vi phạm Tu chính án thứ 8 của Mỹ. Điều kiện sống chật hẹp như vậy được xem là một phần nguyên nhân khiến cho thủ phạm trong các vụ tấn công tình dục dễ hoạt động hơn.
Nguyên nhân thứ hai được cho là nằm ở chỗ các quyền lợi của tù nhân không được quan tâm đúng mức. Những người này hầu hết đều là những người nghèo, không có quyền bỏ phiếu và cũng có ít người vận động vì quyền của họ. Với những tù nhân, quyền lực chính trị là điều chỉ đôi lúc xảy ra trong tưởng tượng của họ. Hầu hết các nạn nhân bị tấn công tình dục đều sợ hãi bị trả thù hoặc thậm chí còn bị lạm dụng ở mức độ cao hơn nên đã không báo cáo các vụ việc này. Các vụ việc lạm dụng tình dục trong nhà tù diễn ra sau cánh cửa xà lim chứ không phải sân sau nên vấn đề này không được Chính phủ tập trung nguồn lực để ngăn chặn.
Trước tình trạng này, năm 1996 Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật cải cách kiện tụng trong nhà tù (PLRA) với mong muốn sẽ giúp đảm bảo quyền và lợi ích của tù nhân. Đến tháng 9/2003, Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua Đạo luật về Hãm hiếp trong nhà tù. Đạo luật này được đánh giá cao vì nó đã thiết lập được hệ thống theo dõi và sau là hạn chế tình trạng hãm hiếp trong tù.
Bên cạnh đó, theo các nhà quan sát, số vụ trình báo việc bị hãm hiếp trong nhà tù tại Mỹ đã tăng nhanh chóng, một phần vì việc tiếp cận và nhận được tư vấn pháp lý của tù nhân đã tăng cao. Lý do thứ hai nằm ở việc mối đe dọa AIDS, mà một số tù nhân cũng mắc phải, khiến cho nhiều nạn nhân buộc phải trình báo để được hỗ trợ về y khoa. Chính điều này đã góp phần đưa thực trạng bê bối này ra ánh sáng và buộc Chính phủ phải có những can thiệp phù hợp.
Những cải cách tư pháp hình sự cũng đang được giới chức Mỹ tính đến. Ngân sách cho các nhà tù đã được tăng cao, trong khi một số nhà làm luật đang tích cực vận động cho việc áp dụng các hình phạt tù nhẹ hơn đối với các hành vi phạm tội không bạo lực. Hồi tháng 2 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ giữ lại khoản tài trợ cho các bang không đáp ứng các điều kiện cần thiết trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ lạm dụng tình dục trong nhà tù. Một tháng sau đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng đã đưa ra các hướng dẫn để loại bỏ tình trạng hãm hiếp trong nhà tù tại các trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép và các cơ sở tạm giam. Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt vấn nạn tấn công tình dục phía sau những cánh cửa nhà tù tại nước này./.