“Đời mình trồng, đời con chăm sóc”…
Ngoài đặc sản chè cổ thụ thơm ngon, xã Tà Xùa (Bắc Yên – Sơn La) còn được nhiều người biết đến bởi… sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc đối với hàng vạn hécta rừng pơmu nguyên sinh những năm trước.
Vừa đặt chân lên thị trấn Bắc Yên, chúng tôi đã may mắn gặp Lù A Sáy (sinh năm 1979, bản Tà Xùa C, xã Tà Xùa), nhân vật “nổi tiếng” bởi kỳ tích tiên phong đem hạt cây pơmu về trồng và có lẽ cũng là người giữ “kỷ lục” có nhiều rừng pơmu nhất trên khắp dải đất hình chữ S thương yêu này.
Từ thị trấn về nhà Lù A Sáy gần 20 cây số. Con đường trải nhựa uốn lượn như trong truyện cổ tích, cảm giác có thể chạm vào những đám mây trắng xóa dày đặc xung quanh. Đặt chân đến đỉnh Tà Xùa, khách phải rẽ đường đất để tới đồi pơmu của Lù A Sáy. Đường dốc hun hút, lởm chởm đá sau trận mưa đêm càng trở nên nguy hiểm. Xe nhiều lúc quay ngang bánh như muốn lao xuống vực.
Sau gần 30 phút vật lộn tưởng như phó thác tính mạng cho số phận, chúng tôi cũng được tận mắt thấy cánh rừng huyền thoại. Lù A Sáy khoát tay tự hào giới thiệu: “Cây pơmu đấy. Nó gần chục năm tuổi rồi. Quả đồi này được 4ha. Còn quả đồi bên kia nhiều cây to hơn và cũng rộng hơn quả đồi này”. Trước mắt chúng tôi là quả đồi với những hàng pơmu thẳng tắp, như muốn nhắc nhở người dân Tà Xùa nói riêng và người dân Tây Bắc nói chung, hãy cùng Lù A Sáy giữ lấy giống gỗ quý cho con cháu đời sau.
Lù A Sáy dẫn khách thăm quả đồi pơmu kế tiếp. Những hàng cây pơmu to như cột nhà kiêu hãnh vươn lên từ đất mẹ. Lù A Sáy khoe: “Không dễ để trồng được cây như thế này đâu. Đời mình trồng, đời con mình chăm sóc thì đời cháu mình mới được khai thác”.
Nhà Lù A Sáy còn sở hữu những đồi chè đặc sản. Anh chia sẻ: “Mình có khoảng 2ha chè, mỗi năm thu được hơn một tạ búp. Chè mùa này không ngon lắm nên giá bán chỉ được 400 ngàn một kilôgam. Còn vào mùa đông sương phủ kín cả ngày, người nọ đứng gần người kia chẳng nhận ra nhau, nên chè khá ngon và giá bán phải hơn 1 triệu đồng một kilôgam. Làm ra đến đâu, dưới xuôi họ lên mua hết cả”.
Chúng tôi về nhà Lù A Sáy thưởng thức ly trà nóng của xứ sở sương mù. Quả đúng như những gì người ta thường nói về chè Tà Xùa.
Bên ly trà thơm ngon, bố của Lù A Sáy, ông Lù A Chống ôn lại buổi ban đầu Lù A Sáy đem hạt pơmu về trồng: “Ban đầu, tôi cũng không đồng ý cho thằng Sáy trồng cây pơmu, bởi chẳng biết nó có lên nổi hay không, mà nếu có lên được thì biết đến bao giờ mới được thu. Trong khi cây chè đang đem lại hiệu quả kinh tế... Tuy nhiên về sau, tôi cũng bị nó thuyết phục vì ý nghĩa của việc trồng cây pơmu, nó muốn bảo tồn giống gỗ quý của Tây Bắc và nó muốn mọi người cùng nhau trồng cây pơmu trên những quả đồi khô hạn để khôi phục cánh rừng nguyên sinh ngày nào. Gia đình tôi hết sức ủng hộ nó. Bây giờ nhìn thấy gần chục hécta pơmu mỗi ngày một lớn, tôi vui lắm!”.
Ông Đinh Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa cũng chia sẻ: “Lù A Sáy là một tấm gương điển hình của xã Tà Xùa và của huyện Bắc Yên. Đồi pơmu anh tự lấy hạt trong rừng về trồng cây phát triển rất tốt và có thể nhân rộng cho bà con trồng ở những vùng đất xấu. Lù A Sáy nhận nhiều giấy khen của huyện, của tỉnh và anh cũng thường xuyên được tỉnh, huyện cho tham quan thực tế ở nhiều nơi. Xã đang xem xét giao một vài quỹ đất cho Lù A Sáy trồng pơmu”.
Rời Tà Xùa, hình ảnh người đàn ông H’mông trẻ tâm huyết tái sinh rừng pơmu vẫn lưu mãi tâm trí chúng tôi. Giá nhiều người quản lý rừng chung chí hướng như Lù A Sáy, một ngày không xa sẽ có những cánh rừng quý như pơmu tái sinh… Chúng tôi cũng mong muốn, đoạn đường vào bản Tà Xùa sớm được cải thiện, để nhiều người đến với Tà Xùa hơn và mô hình tái sinh giống cây quý hiếm được nhân rộng hơn.