Hệ thống giám sát Prodes của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil cho thấy, rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã mất 13.235 km vuông trong khoảng thời gian tham chiếu 12 tháng (từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021). Báo cáo được công bố trước khi các cuộc đàm phán về khí hậu ở Glasgow bắt đầu.
Đây là diện tích rừng bị mất cao nhất kể từ năm 2006, trước những nỗ lực gần đây của Chính phủ Tổng thống Bolsonaro tiến tới cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow COP26.
Hơn một thập kỷ trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Jair Bolsonaro bắt đầu vào tháng 1/2019, không có vụ phá rừng nào hơn 10.000 km vuông được ghi nhận ở Amazon. Nhưng từ năm 2009 đến 2018, diện tích rừng bị phá hàng năm trung bình là 6.500 km vuông.
Kể từ đó, mức trung bình hàng năm tăng vọt lên 11.405 km vuông, và tổng diện tích rừng bị phá trong ba năm (2019-2021) lớn hơn cả bang Maryland (Mỹ).
Ảnh Reuters chụp từ trên không (ngày 28/9/2021) cho thấy một khoảnh rừng bị chặt phá của rừng nhiệt đới Amazon ở Bang Rondonia, Brazil.
Tổng thống Bolsonaro nhậm chức với những lời hứa sẽ phát triển Amazon và gạt bỏ sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu về sự hủy diệt khu rừng nhiệt đới này. Song thực tế, chính phủ của ông đã làm mất uy tín của các cơ quan quản lý môi trường và ủng hộ việc nới lỏng các biện pháp bảo vệ đất đai, khuyến khích người chiếm đất.
Tại một hội nghị ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để thu hút đầu tư vừa diễn ra, ông vẫn phát biểu rằng, các cuộc tấn công vào Brazil vì phá rừng là không công bằng và phần lớn Amazon vẫn còn nguyên sơ.
Những người bản địa từ bộ lạc Mura tại một khu vực bị phá rừng ở các vùng đất bản địa bên trong rừng nhiệt đới Amazon gần Humaita, Bang Amazonas, Brazil. Ảnh: Reuters (chụp ngày 20/8/2019)
Một nhà máy sản xuất gỗ ngay gần những khu rừng bị chặt phá ở Porto Velho bang Rondonia, Brazil. Ảnh: AP (chụp ngày 2/9/2019)
Theo dữ liệu, bang Para chiếm 40% số vụ phá rừng từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, nhiều nhất trong số 9 bang ở vùng Amazon. Nhưng mức tăng hàng năm của nó là nhẹ so với các bang Mato Grosso và Amazonas, cùng chiếm 34% lượng tàn phá của khu vực. Hai bang lần lượt bị phá rừng nhiều hơn 27% và 55%.
Và dữ liệu ban đầu cho giai đoạn tham chiếu 2021-2022 báo hiệu rừng Amazon sẽ bị tàn phá nhiều hơn nữa. Hệ thống giám sát hàng tháng của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil đã phát hiện tình trạng phá rừng cao hơn so với cùng kỳ năm trước trong cả tháng 9 và tháng 10.
Theo ông Mauricio Voivodic, Giám đốc điều hành của Tổ chức môi trường quốc tế WWF tại Brazil, "Chính phủ ông Bolsonaro đã đẩy nhanh con đường hủy diệt Amazon”.