Nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn tại Hoà Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đều dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục đào tạo tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú được nâng cấp về cơ sở vật chất; củng cố, duy trì và phát triển về quy mô, chất lượng.

Năm 2023, ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 21/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục dân tộc, tăng cường triển khai các hoạt động giáo dục đặc thù cho học sinh dân tộc. Trong đó, tỉnh đã thực hiện đầy đủ chế độ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về việc qui định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; học sinh nội trú theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT và các quy định khác.

Tỉnh Hòa Bình chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn tại Hòa Bình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn tại Hòa Bình. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình

Bên cạnh đó, Hòa Bình luôn bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác; chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường PTDTNT, PTDTBT thực hiện công tác nội vụ, quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho học sinh.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh dân tộc thiểu số, chú trọng công tác tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú; tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn, xây dựng môi trường để tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm tăng cường giao tiếp tiếng Việt cho trẻ em, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng; 100% các trường có cấp tiểu học đã tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, giao lưu câu lạc bộ, Olympic học sinh.

Tiếp tục triển khai Đề án tiếng Mường, Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch số 1612/KH-SGD&ĐT thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025 của Đề án tiếng Mường; hoàn thành tổ chức thi cuối khóa và cấp chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho 472 học viên; hoàn thành việc thẩm định Tài liệu tiếng dân tộc Mường khối lớp 4,5,7,8,9,11,12. Tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho 269 học viên; tiếng dân tộc Thái cho 108 học viên. Đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc tại các đơn vị, trường học trên địa bàn huyện Kim Bôi và kiểm tra đột xuất công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tại một số trường học có tổ chức bếp ăn tại huyện Cao Phong.

Toàn ngành đã thực hiện có hiệu quả Quyết định số 718-QĐ/TU ngày 14/12/2022 của Tỉnh ủy Hòa Bình phân công cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn; Quyết định số 2453/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 của UBND tỉnh phân công, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025.

Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch giúp đỡ các xã khó khăn, thành lập các tổ công tác; vận động các đơn vị tài trợ ủng hộ, giúp đỡ bằng hiện vật và tiền mặt cho các nhà trường. Kết quả, nhân dịp Khai giảng năm học mới 2023-2024 và ngày toàn dân đưa trẻ tới trường đã tặng các nhà trường 200 chiếc Balo, 20 chiếc xe đạp, 10 máy tính xách tay.

Riêng đối với xã Vầy Nưa, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã tích cực, chủ động tham mưu, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà tài trợ để hỗ trợ, tặng 10 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó trị giá 20 triệu đồng, tặng quà cho trường Mầm non xã Vầy Nưa 01 máy giặt 15 kg, 150 phản ngủ trưa; trường TH&THCS Vầy Nưa 10 Tivi 65 inch; ngày 10/4/2023 đã khảo sát tại trường Mầm non Vầy Nưa để xây dựng nhà vệ sinh cho điểm trường chính, xây dựng tường bao cho điểm trường Lau Bai với nguồn kinh phí 380 triệu đồng từ Hội Khuyến học tỉnh…

Đọc thêm