Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

(PLVN) - Sáng 24/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Triển khai Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Quyết định số 345).
Cảnh Hội nghị.
Cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 Cao Đăng Vinh cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp (DN) những năm qua đã giúp các DN sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển. Hiểu biết pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động được nâng lên, các DN có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực và ấn tượng đã đạt được, công tác HTPL cho DN còn hạn chế, cần được khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân có trách nhiệm cần quan tâm một số vấn đề khi triển khai thực hiện Quyết định số 345.

Triển khai Quyết định số 345 (Đề án) và Quyết định số 971/QĐ-HTPLLN ngày 7/6/2023 của Trưởng ban Quản lý Chương trình HTPL liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (Ban Quản lý Chương trình HTPLLN), Bộ Tư pháp phối hợp Ban Quản lý Chương trình HTPL liên ngành tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 345.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 Cao Đăng Vinh phát biểu khai mạc.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025 Cao Đăng Vinh phát biểu khai mạc.

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai đồng bộ Quyết định số 345. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp liên quan để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục các vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN; triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

“Trong Hội nghị này, mọi người sẽ nghe đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý, luật sư… và cộng đồng DN, các chuyên gia trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác HTPL cho DN nhất là những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ từ năm 2019 đến nay và phương hướng, giải pháp hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Cao Đăng Vinh nói.

Ông Trần Minh Sơn – thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPL liên ngành cho DN giai đoạn 2020-2025, Bộ Tư pháp.

Ông Trần Minh Sơn – thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPL liên ngành cho DN giai đoạn 2020-2025, Bộ Tư pháp.

Giới thiệu về Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” và kế hoạch triển khai Đề án, ông Trần Minh Sơn – thành viên Ban Quản lý, Trưởng Văn phòng Chương trình HTPL liên ngành cho DN giai đoạn 2020-2025, Bộ Tư pháp cho biết Đề án xác định 5 mục tiêu cụ thể.

Hoàn thiện khung pháp lý về HTPL cho DN; phấn đấu 100% quy định pháp luật về DN, về quyền và nghĩa vụ của DN được thông tin kịp thời, đầy đủ đến DN; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho DN và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho DN; đảm bảo 100% DN được được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý cho DN khi có yêu cầu…

Và theo ông Trần Minh Sơn, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là hoàn thiện chính sách, pháp luật về HTPL cho DN; nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác HTPL cho DN và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; triển khai hiệu quả công tác HTPL cho DN thông qua việc đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho DN thông qua các tổ chức đại diện cho DN, tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến DN…

“Về tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, tổ chức, điều phối hoạt động chung của Đề án; Bộ Kế hoạch và Đầu Tư; Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… và trách nhiệm của DN”, ông Sơn nói.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm phát biểu tại Hội nghị.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế DN đã nêu một số vấn đề cần quan tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HTPL cho DN giai đoạn 2021 – 2030.

Theo ông Lãm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và HTPL cho DN; coi trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là quy định pháp luật liên quan sản xuất – kinh doanh của DN cho người lao động và sử dụng lao động. Phổ biến pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân để người sử dụng lao động và người lao động có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quan tâm lồng ghép, phối hợp phổ biến pháp luật với hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho DN.

“Đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp HTPL cho DN, kết hợp phương pháp truyền thống với hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho DN; xã hội hóa công tác HTPL cho DN. Ưu tiên và có kế hoạch chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa”, ông Lãm nói…/.

Đọc thêm