Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng VBQPPL cho biết, ngày 19/02/2025, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Ban hành VBQPPL và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2025. Luật tiếp tục thể chế đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới quy trình xây dựng VBQPPL, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp cùng với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương dẫn đến một số quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 cần phải nghiên cứu, sửa đổi.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng VBQPPL báo cáo tại cuộc họp. |
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã; bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định chính sách, dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; bảo đảm các yêu cầu về đổi mới, sáng tạo; lược bỏ các quy định về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện; bỏ một số cụm từ để phù hợp với định hướng sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy; xác định nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nội dung phân quyền, phân cấp; những vấn đề có ý kiến khác nhau và hướng xử lý.
Dự thảo Luật gồm 02 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, trong đó đề xuất sửa 17 điều gồm sửa đổi, bổ sung Điều 4 (Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật); Điều 22 (VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cấp huyện); Sửa đổi, bổ sung một số khoản, điểm của các điều: Điều 26, 27, 29, 31, 33, 34, 37, 51, 54, 55, 57 và Điều 72; Sửa kỹ thuật 05 điều (Điều 6, 23, 24, 30 và 60). Điều 2 là hiệu lực thi hành, dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã trao đổi, nêu ý kiến tập trung về thẩm quyền ban hành VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã để phù hợp với yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn liên quan đến hiệu lực của văn bản; bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; phân quyền, phân cấp giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp xã…
![]() |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp. |
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, bởi đây là đạo luật tạo lập cơ chế để hoàn thiện thể chế pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, công cuộc đổi mới về xây dựng thể chế, cải tiến quy trình, thủ tục đã diễn ra quyết liệt và mạnh mẽ. Đặc biệt là Chính phủ cũng rất quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành ở tất cả các khâu từ xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định cho tới ban hành VBQPPL.
Thứ trưởng đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã kịp thời đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, như bổ sung thẩm quyền cho chính quyền cấp xã; sửa đổi một số nội dung về phản biện xã hội, tham vấn, góp ý đối với chính sách, dự thảo VBQPPL của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo định hướng sắp xếp, tổ chức bộ máy mới; bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các cuộc họp của Hội đồng thẩm định…
Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc giữ lại quyền tham gia góp ý của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục rà soát và sửa đổi quy định liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh trong bối cảnh phân cấp, phân quyền hiện nay để địa phương tránh vướng mắc trong việc triển khai thực hiện; cân nhắc, xem xét lại việc phân cấp, phân quyền của UBND cấp xã cho các phòng, ban chuyên môn… Đồng thời đề nghị rà soát, xem xét lại một số vấn đề như VBQPPL hết hiệu lực để tránh phát sinh những vướng mắc trên thực tiễn, lúng túng khi áp dụng; rà soát kỹ và gia cố lại các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính đồng bộ và khả thi.