Ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì Toạ đàm. |
Báo cáo tổng quan thực trạng công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết: Theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ được giao 106 nhiệm vụ lập pháp. Tại thời điểm ban hành Kế hoạch, có 12 nhiệm vụ đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021-2022. Như vậy Chính phủ còn phải hoàn thành 94 nhiệm vụ. Kết quả trong năm 2022, Chính phủ đã hoàn thành 78 nhiệm vụ, liên quan kiến nghị, đề xuất đối với 80 luật, pháp lệnh, trong đó có 1 nhiệm vụ vượt tiến độ.
Về nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện thời gian tới để triển khai thực hiện Kế hoạch số 81, các Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân công chủ trì soạn thảo cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị các VBQPPL bổ sung vào Chương trình năm 2024, đưa vào Chương trình năm 2025-2026 hoặc thời điểm thích hợp khác để kịp thời hạn.
Thực hiện quy định của Luật Ban hành VBQPPL, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với với Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Cùng với đó, Bộ Tư pháp cũng khẩn trương tiến hành thẩm định các đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật sau khi thẩm định. Từ 1/1/2023 đến 10/11/2023, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với 25 đề nghị xây dựng VBQPPL và 148 dự án, dự thảo VBQPPL.
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, thực hiện Kế hoạch số 13-KH/BCĐTW ngày 26/1/2022 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng đoàn Quốc hội được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức phải thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL và việc phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác này; phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình VBQPPL; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành VBQPPL;…
Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về thành phần hồ sơ, hình thức, chất lượng của các tài liệu trong hồ sơ; tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo; tổ chức hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập theo đúng quy định, bảo đảm sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan.
Đối với cơ quan chủ trì thẩm định, cần tiếp tục phát huy hình thức hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn thẩm định; tăng cường, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; chủ động bám sát quá trình xây dựng, ban hành các văn bản được phân công, thực hiện theo dõi ngay từ giai đoạn soạn thảo đến khi văn bản được thông qua, ký ban hành, chủ trọng theo dõi sát việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Trao đổi tại toạ đàm, đại diện các Bộ, ngành chủ yếu nêu lên vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định 34 như: chưa xác định rõ thế nào là “chính sách”; việc đánh giá tác động chính sách đặt ra quá nhiều yêu cầu đánh giá dẫn tới dàn trải; vướng mắc trong quy định về trình tự, thủ tục rút gọn xây dựng văn bản quy định chi tiết; thiếu các nguồn lực, đặc biệt là về kinh phí phục vụ cho công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL; chưa có hướng dẫn về lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội… Từ những vướng mắc đó, các Bộ ngành đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể đồng thời kiến nghị một số nội dung để hoàn thiện pháp luật.