Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cơ sở cho đất nước phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế…, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài.
Đoàn Chủ tịch Hội thảo.
Đoàn Chủ tịch Hội thảo.

Đó là nhấn mạnh của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập”, do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm qua (24/5).

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người cả về phẩm chất, kỹ năng

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, thể hiện trong chiến lược phát triển một xã hội học tập mà về bản chất là nền giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, cũng như tạo cơ hội để phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cá nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn không ít hạn chế. Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt. Ở Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế…, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy cuộc vận động xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; hướng vào mục tiêu cốt lõi, bao trùm là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo con người cả về phẩm chất, kỹ năng cần thiết để giúp con người tự học, học tập suốt đời, đáp ứng trình độ phát triển của đất nước trong mỗi giai đoạn cụ thể, lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, xây dựng mô hình “Công dân học tập” có nhân cách, đạo đức, lối sống, có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội; có ý thức dân tộc, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; có năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ, làm chủ, vượt qua thách thức; có tri thức khoa học công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách.

Phải có các cơ chế, chính sách rất cụ thể

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới giáo dục, điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao để mọi người dân, từng đơn vị thấy nhất thiết phải học tập. Giải pháp đầu tiên vẫn là tăng cường việc tuyên truyền, tăng cường nhận thức về xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, phải để mọi người cảm thấy thích học bằng việc làm thật tốt công tác tôn vinh những người có kiến thức, hiểu biết, những người giỏi trong xã hội.

Bên cạnh đó, phải làm sao cho mọi người thấy “cần học”, “thích học”, cũng phải làm sao để người dân có thể học được. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài việc xây dựng pháp luật chung thì phải có các cơ chế, chính sách rất cụ thể để hệ thống giáo dục của chúng ta thực sự là một hệ thống mở. Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần có những điều kiện quy định bằng pháp luật để các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ, công nhân viên có cơ hội học tập, nâng cao nhận thức, trình độ.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng xã hội học tập 2021 đã chỉ ra có tới 3/4 chỉ tiêu không hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao.

Theo bà Doan, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp 4.0 với ba trụ cột chính là kỹ thuật số, khoa học công nghệ và tự động hóa. Ba trụ cột này đang tác động toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội từng gia đình, từng con người, đặc biệt là đến thị trường lao động. Nếu không nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua đổi mới nhận thức của các cấp và người lao động, đổi mới giáo dục - đào tạo, trước tiên là đào tạo nghề và sự nỗ lực học tập của từng người thì chúng ta sẽ tự đào thải mình.

Đọc thêm