Nâng cao chất lượng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho Hòa giải viên

(PLO) - Đó là giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh tại buổi nghe báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Đề án “Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ Hòa giải viên (HGV) ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2025” diễn ra chiều qua (27/6). Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cùng tham dự.

Mục tiêu của Đề án nhằm kiện toàn, củng cố tổ hòa giải bảo đảm đủ số lượng HGV, đúng cơ cấu; xây dựng đội ngũ HGV đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, trách nhiệm tổ chức thực hiện hòa giải nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, khâu đột phá là nâng cao chất lượng, giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong cộng đồng, từ đó góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, số vụ việc phải đưa ra Tòa án giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Để hoàn thành mục tiêu trên, một trong những giải pháp then chốt là nâng cao năng lực đội ngũ HGV. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ tập huấn viên có trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả, tính chuyên môn hóa trong công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho HGV. Việc kiện toàn, củng cố đội ngũ HGV được thực hiện phù hợp với việc điều chỉnh, sắp xếp lại thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. 

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu tham khảo cho đội ngũ HGV, đội ngũ tập huấn viên. Đây là nhiệm vụ mang tính trọng tâm nhằm chuẩn hóa chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tài liệu tham khảo cho các đối tượng của Đề án, đảm bảo dễ hiểu, dễ sử dụng, dễ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, phổ biến các tài liệu.

Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, tăng cường năng lực đội ngũ HGV. Bao gồm các hoạt động chỉ đạo điểm do Trung ương tổ chức chỉ đạo thực hiện tại 12 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng, miền để tổng kết, hướng dẫn thực hiện ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với đó, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho HGV, tổ chức Hội thi HGV giỏi toàn quốc, hội thảo giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hòa giải, trao đổi về những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở. 

Ngoài ra, Đề án còn đề cập tới việc xây dựng thử nghiệm chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho HGV trên sóng phát thanh, truyền hình; bài giảng điện tử; Xây dựng điển hình, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng những HGV, tổ hòa giải điển hình xuất sắc và các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở. 

Tại các huyện nghèo, trình độ dân trí, nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại nặng nề. Qua rà soát, hiện chưa có một chương trình, đề án nào đầu tư một cách trực tiếp, sát thực, bài bản cho HGV ở cơ sở. Do đó, thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu Bộ Tư pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, đến hết năm 2015, Trung ương sẽ đảm bảo trực tiếp hỗ trợ tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn, bồi dưỡng/huyện cho đội ngũ HGV trong toàn bộ quá trình thực hiện Đề án.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Đề án cần tập trung vào giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ HGV, trong đó tài liệu là yếu tố quan trọng, tài liệu phải chú trọng vào bồi dưỡng kỹ năng, khi có tài liệu đầy đủ mới tổ chức tập huấn. Ngoài ra, cần tính toán kỹ lưỡng để phân rõ trách nhiệm của các cấp trong việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ HGV để đảm bảo hiệu quả và tính khả thi. 

Đọc thêm