Người dân hào hứng
Từ việc ngại ngần di chuyển, hiện nay bà Nguyễn Kim Dung ở chợ Bái (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên) có thể thường xuyên lên thăm con cháu ở khu vực Giáp Bát (Hà Nội) khi tuyến xe buýt 108 Minh Tân - Thường Tín được mở. “Xe buýt dừng ngay trước cửa nhà, tôi đi một mạch lên Thường Tín, từ đó nhảy xe tuyến lên Giáp Bát, vậy là gặp con rất tiện, không phải gọi tắc xi tốn kém. Nhu cầu của người dân đi lại khá lớn. Trước đây chưa có xe buýt thì người dân phải nhờ người nhà chở 10km ra tận đường cao tốc để bắt xe về trung tâm Hà Nội, rất vất vả”, bà Dung chia sẻ.
Toàn tuyến Minh Tân - Thường Tín có cự ly trên 31km với 10 xe, 30 chỗ; giá vé 9.000 đồng/khách/lượt; hoạt động từ 4h25 sáng đến 21h, tạo thuận lợi cho hàng chục vạn dân thuộc các xã miền đông huyện Phú Xuyên: Minh Tân, Quang Lãng, Tri Thủy, Phúc Tiến…
Ở một tuyến khác, xe buýt 75 Hương Sơn - Yên Nghĩa, chạy qua quốc lộ 21B tổng chiều dài 46km, với tần suất 20 phút/chuyến, mùa lễ hội 15 phút/chuyến. Ngoài ra, khu vực này còn được “phủ sóng” bởi các tuyến buýt là xe số 101 kết nối bến xe Giáp Bát - Vân Đình; 102 bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình; 103 bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn, tạo thuận tiện cho người dân, đặc biệt là sinh viên các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức di chuyển.Trải qua nhiều năm, quốc lộ 21B chưa được mở rộng, trong khi phương tiện giao thông tăng nhanh khiến nhiều đoạn tắc nghẽn.
Ông Trần Đức Nguyên (thị trấn Vác – Thanh Oai) chia sẻ: Mật độ phương tiện cao nên va chạm giao thông cũng thường xuyên xảy ra. Có xe buýt qua tôi lựa chọn để được an toàn, giảm tiền xăng. Còn bạn Lê Ngọc Yến, sinh viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, nhà em ở Kim Bài, nếu chọn cách trọ học ở gần trường thì mỗi năm gia đình sẽ mất một khoản tiền. Nhờ xe buýt thuận tiện cho việc đi, về nên em chọn ở nhà với bố mẹ, lại có thể dạy em trai học tập.
Là đơn vị vận hành, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chia sẻ ở khu vực ngoại thành không chỉ vé lượt, lượng vé tháng trên các tuyến mới tăng nhanh, mà vé tháng liên tuyến cũng ngày càng có nhiều người mua. Điều đó cho thấy hành khách ở các khu vực này đã “nói có” với mạng lưới xe buýt của thành phố.
Cần nhiều biện pháp khuyến khích
Điều đáng mừng, trong năm 2018 Transerco sẽ mở thêm 14 tuyến buýt. Phó Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Công Nhật cho hay, các tuyến buýt mở ra để kết nối khu vực thị trấn, đông dân... thuộc các huyện ngoại thành mà hành khách tiếp cận xe buýt còn khó khăn sẽ được trung chuyển, kết nối với mạng lưới buýt nội đô. Ngoài ra ở một số nơi điều kiện hạ tầng hạn chế, mặt cắt đường hẹp sẽ nghiên cứu thí điểm minibus.
Song, dẫu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã mở rộng mạng lưới xe buýt nói chung, xe buýt ngoại thành nói riêng với các hình thức khuyến khích như trợ giá, cải thiện chất lượng phục vụ, đầu tư xe mới…Số người dân tham gia tăng nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Quá nhiều người dân vẫn chọn phương tiện cá nhân (xe máy) di chuyển. Trong khi đó nhiều tuyến xe buýt từ ngoại thành chỉ lác đác, thậm chí trong giờ cao điểm.
Tìm hiểu thực tế tại các tuyến dọc Quốc lộ 3 đi Đông Anh, Sóc Sơn, hay Quốc lộ 1A cũ đi Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…các điểm dừng có quá nhiều bất cập. Nhiều điểm chìm trong bụi bặm, do không có vỉa hè nên hành khách chờ phải đứng ngay dưới lòng đường. Nhiều hành khách nơm nớp lo sợ vì các phương tiện khác di chuyển quá nhanh, mà sau lưng là hàng rào hoặc mương nước nên không biết đứng thế nào để bảo đảm an toàn. Nhiều điểm dừng đặt ở những nơi hoang vắng, không có nhà dân, ít người qua lại. Vào những lúc chiều tối, người dân ngại đứng chờ hoặc xuống xe buýt tại những vị trí này do lo sợ mất an ninh.
Một rào cản khác, do đặc thù của người dân ngoại thành là sống phân tán, việc tiếp cận xe buýt khó khăn vì muốn di chuyển từ nhà tới điểm dừng để chờ thì phải đi xe máy. Muốn gửi xe máy để đi xe buýt lại không có điểm gửi. Hay người dân ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức) phản ánh, nhu cầu đi lại của người dân tại đây khá lớn, nhưng điểm trung chuyển xe buýt lại nằm sâu trong khu vực khu Trung tâm thể thao Hoài Đức buộc mọi người phải đi bộ tới 1km.
Ông Nguyễn Duy Khánh - Trường trung cấp nghề số 10, Bộ Quốc phòng nhiều năm đi xe buýt chia sẻ rằng, muốn giảm thiểu phương tiện cá nhân thì nhà nước cần nhiều biện pháp quyết liện hơn. Trước mắt cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận các tuyến xe buýt một cách thuận lợi nhất. Ông Khánh cũng đưa ra ý kiến rất nên tham khảo. Ông cho rằng: “Người ta thường lầm tưởng xe buýt đi chậm hơn xe cá nhân nhưng không phải, mà là do xe cá nhân “chiếm” đường của xe buýt, lách lên vỉa hè nên mới nhanh hơn. Việc hình thành đường riêng cho xe buýt thường giống BRT là rất khó vì mặt đường ở Hà Nội khá nhỏ. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu mở rộng thêm nhiều tuyến xe buýt kết nối, xe buýt mini, school bus, nâng cấp nhà chờ”.
Dù đã “vươn tay” ở ngoại thành, song để xe buýt trở thành phương tiện chủ lực, thành phố Hà Nội cần có nhiều biện pháp khuyến khích, như ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ, cứ làm tốt vận tải công cộng, người dân sẽ bỏ dần xe máy. Đồng quan điểm ấy, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, cho biết thêm, chúng ta nên bố trí những điểm dừng, đỗ, điểm đón khách thích hợp thì sẽ phát triển tốt các loại hình xe buýt và khuyến khích người dân đi bộ. Muốn thế phải quản chặt các loại hình phương tiện giao thông khác.