Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản

(PLVN) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, chiều 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp.

Thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của hoạt động đấu giá

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản; bổ sung 1 Điều mới; bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Luật Đấu giá tài sản; Điều 2 về điều khoản thi hành và Điều 3 về quy định chuyển tiếp.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên; tổ chức, hoạt động, quyền, nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; về trình tự, thủ tục đấu giá; và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá. Đồng thời, sửa đổi kỹ thuật, quy định chuyển tiếp.

Trong đó, đáng chú ý, dự thảo Luật bỏ quy định về các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành nhằm đảm bảo các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp đấu giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đấu giá viên, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề.

Bổ sung một số nội dung chính trong Quy chế cuộc đấu giá để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi; bổ sung việc niêm yết đấu giá, việc xem tài sản đấu giá, thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá đảm bảo tính công khai, minh bạch; việc xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến, góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; quy định hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá, trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…

Đảm bảo luật tháo gỡ được những bất cập hiện nay

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản trong bối cảnh hiện nay.

Đa số ý kiến cho rằng hồ sơ của dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình QH tại Kỳ họp thứ 6; bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản. Đồng thời, rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, điều khoản sửa đổi, bổ sung để đảm bảo hiệu quả, khả thi.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, cần xác định rõ quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung, làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với các luật khác.

“Trong nền kinh tế thị trường, tài sản vô hình đôi khi có giá trị rất lớn. Vậy, tài sản vô hình có mang ra đấu giá không, nếu có sẽ đấu giá thế nào?”, Chủ tịch QH đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát các quy định nhằm khắc phục những bất cập, đặc biệt là sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh); khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thổi giá, ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản…

Một số đại biểu đề nghị rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành, như pháp luật về đất đai, trường hợp áp dụng các mức cụ thể của khoản tiền đặt trước theo hướng quy định nêu rõ mức tiền đặt trước của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở mức cao nhất để hạn chế việc bỏ tiền đặt trước, thao túng thị trường…

Đọc thêm