Nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri

(PLVN) - Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 -ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết để kịp thời ghi nhận, thể chế hóa những thay đổi trong thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian vừa qua.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh Quochoi.vn

Tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức

Theo Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Dương Thanh Bình, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 (Nghị quyết số 525) về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu QH (ĐBQH), nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của QH, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.

Từ năm 2013 đến năm 2022, đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau, được tổ chức phục vụ ĐBQH tiếp xúc cử tri. Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri từ khi thực hiện Nghị quyết số 525 đã có nhiều đổi mới linh hoạt, hiệu quả về hình thức và nội dung; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sau đó đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời, được cử tri cả nước đánh giá rất cao.

Nhiều nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cũng đã được QH, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền thể chế hóa thành nhiều văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong thực tiễn cuộc sống. Từ năm 2013 đến năm 2022, đã có 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri...

Tuy nhiên, việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đến cử tri thiếu sinh động, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri; chưa có nhiều gợi mở nội dung để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng. Đặc biệt, tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chưa thực sự thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, các giới, các ngành. Cử tri tham dự vẫn chủ yếu là người cao tuổi; cán bộ hưu trí; cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, ấp; những người có khiếu nại về chế độ, chính sách. Vì vậy, tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”, “cử tri đại diện”, “đại biểu cử tri” còn phổ biến…

Tại phiên họp của UBTVQH vừa diễn ra, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh, cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525 để hoàn thiện cơ sở pháp lý, kịp thời ghi nhận, thể chế hóa một cách chính thức những thay đổi trong thực tiễn hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian vừa qua.

Quy định rõ về việc thực hiện tiếp xúc cử tri trực tuyến

Phát biểu về nội dung này, tán thành sự cần thiết nghiên cứu, rà soát, tổng kết Nghị quyết số 525, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ hơn những hạn chế, bất cập là do quy định của Nghị quyết hay do tổ chức thực hiện để thấy được những nội dung cần sửa đổi và những nội dung phải chấn chỉnh trong công tác thực hiện.

Dẫn chứng nhận định “tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, nội dung chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu”, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng những việc này không phải do quy định của Nghị quyết số 525. Bởi, Nghị quyết đã quy định đầy đủ về việc trước kỳ họp thì tiếp xúc cử tri sẽ tập trung vào những vấn đề gì, sau kỳ họp thì tập trung vào những vấn đề gì. Nghị quyết cũng quy định, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri nêu những vấn đề về tâm tư, nguyện vọng gửi gắm đến QH, đến các cơ quan Trung ương... Tuy nhiên, trong thực tiễn, rất nhiều trường hợp cử tri chỉ quan tâm sâu đến những vấn đề “cơm áo gạo tiền” trực tiếp của mình còn vấn đề kiến nghị mang tầm vĩ mô cũng có nhưng rất ít.

Trong khi đó, Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường cũng chỉ ra rằng Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, tổng hợp ý kiến cử tri tại các kỳ họp bất thường. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để sửa đổi cho phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cũng đề nghị trong lần sửa đổi Nghị quyết số 525 này, cần quy định rõ ràng, cụ thể đối với việc tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến; tiếp xúc cử trước kỳ họp bất thường…

Đồng quan điểm, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc sửa đổi Nghị quyết số 525 cần xác định rõ hình thức tiếp xúc cử tri để có hướng dẫn cụ thể. Nêu ví dụ, theo Chủ tịch QH, hiện nay, dù không có COVID-19 nhưng việc tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến vẫn được tiến hành hiệu quả.

Tại phiên họp, UBTVQH thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 525, đưa vào chương trình xây dựng Nghị quyết của UBTVQH, giao Ban Dân nguyện chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để xây dựng Nghị quyết theo đúng quy định của pháp luật. UBTVQH thống nhất ban hành 2 Nghị quyết liên tịch gồm Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp.

Đọc thêm