Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở Công Thương Hà Nội cho biết đang hướng dẫn một số chợ lắp đặt nhà xét nghiệm nhanh tại chợ để người tiêu dùng khi mua sắm có thể kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa; thực hiện phân cấp toàn diện công tác quản lý chợ cho các quận, huyện, thị xã và triển khai nhiều biện pháp khác nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ trên địa bàn TP.
Ảnh minh họa một chợ dân sinh tại TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Ảnh minh họa một chợ dân sinh tại TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Xử lý 8 cơ sở kinh doanh thực phẩm

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, hệ thống phân phối thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội khá đa dạng.

Trên địa bàn TP đang có 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 453 chợ với khoảng 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.... . Trong đó, hệ thống chợ là kênh phân phối, cung ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

TP Hà Nội có 2 chợ đầu mối là Minh Khai và phía Nam cùng 3 chợ có tính chất đầu mối gồm chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Các chợ đầu mối này kinh doanh một lượng lớn nông sản, thực phẩm.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn TP Hà Nội” do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 15/11, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua khảo sát tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho thấy, dù là nơi cung ứng lượng hàng hóa, thực phẩm lớn trên địa bàn nhưng cả hai chợ này đều được đầu tư xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất không bảo đảm các điều kiện hoạt động chợ về vệ sinh môi trường, vệ sinh an ATTP, mỹ quan đô thị.

Cùng với đó, sự hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh ATTP của các hộ kinh doanh, người tiêu dùng tại chợ còn nhiều hạn chế.

Có tới 30% các hộ kinh doanh không có hợp đồng mua bán, nguồn gốc các sản phẩm đang kinh doanh. Tại chợ đầu mối phía Nam, chỉ có 9,5% các quầy hàng có kết cấu vững chắc, gọn sạch; 5,7% trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc bảo đảm an toàn…

Ngoài ra, các đơn vị quản lý chợ còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát về tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, các hộ kinh doanh chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, xuất phát từ tầm quan trọng trong công tác quản lý ATTP nói chung, công tác quản lý ATTP trong chợ nói riêng, Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu, trình UBND TP ban hành Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022- 2025” (gọi tắt là Đề án).

Cùng với đó, Sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai, thực hiện nhiều chương trình, giải pháp, nhằm tăng cường công tác đảm bảo ATTP tại chợ.

Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát, khảo sát thực trạng cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong chợ để phân loại, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện các điều kiện đảm bảo ATTP.

Sở cũng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn 533 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại chợ đảm bảo điều kiện về ATTP và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ.

Tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Sở đã kiểm tra, xử lý 8 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ với số tiền 45 triệu đồng; lấy 473 mẫu giám sát tại các chợ, phát hiện 31 mẫu vi phạm các chỉ tiêu ATTP và đã gửi thông tin mẫu vi phạm để thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định...

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về ATTP

Tuy nhiên, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Điển hình là việc nhận thức của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao, dẫn đến chưa chấp hành chưa tốt quy định về ATTP; việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ chưa được thực hiện thường xuyên, các điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm theo quy định...

Người tiêu dùng cũng còn tâm lý “tiện đâu mua đấy”, không để ý đến nguồn gốc sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn.

"Vấn đề đặt ra là cần các giải pháp tổng thể, toàn diện hơn để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về ATTP", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP tại chợ trên địa bàn TP Hà Nội", bà Lê Thị Hằng kiến nghị, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Đối với đơn vị quản lý chợ cần tập huấn, tuyên truyền về cơ chế chính sách về phát triển, quản lý chợ; rà soát lại hệ thống chợ trên cơ sở tổng hợp danh mục cần đầu tư cải tạo chợ hàng năm để đề xuất đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định. Từ đó, có cơ sở xây dựng tiêu chí chợ đầu mối ATTP kết hợp với phòng, chống bệnh…

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội kiến nghị, TP và các ngành chức năng cần có bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng về chợ văn minh, an toàn để các tiểu thương phải luôn bảo đảm an toàn vệ sinh ATTP.

Bà Hương cũng kiến nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp tục tổ chức giám sát vấn đề vệ sinh ATTP tại các chợ; tăng cường hoạt động tuyên truyền cán bộ hội viên phụ nữ về ATTP; đặc biệt biểu dương kịp thời các cá nhân, hộ kinh doanh làm tốt vấn đề vệ sinh ATTP…

Ghi nhận các ý kiến, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP tại chợ thời gian tới, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ cùng các sở, ngành TP, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về ATTP.

Theo đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về ATTP; phối hợp với UBND các quận, huyện hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện các thủ tục pháp lý; đẩy mạnh cấp biển nhận diện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đáp ứng yêu cầu tại Đề án.

Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ,…

Phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn TP đáp ứng yêu cầu tại Đề án và được cấp biển nhận diện. Từ đó góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Đọc thêm