Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp

(PLVN) - Chiều 10/1, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Hội nghị Triển khai công tác Bổ trợ Tư pháp năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tham dự Hội nghị.

Công tác bổ trợ tư pháp năm 2022 đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Tại Hội nghị, báo cáo kết quả công tác bổ trợ tư pháp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2023, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 mới được kiểm soát, nhưng tập thể Lãnh đạo đơn vị đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm các nhiệm vụ được giao liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động của đội ngũ công chức để thực hiện các công việc của đơn vị một cách hiệu quả và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Cụ thể, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế của đơn vị tiếp tục đạt được nhiều kết quả (ban hành 02 Thông tư và đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 04 văn bản, gồm: 02 Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, 01 Nghị định và 01 Thông tư), tiếp tục tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là thể chế trong lĩnh vực đấu giá, công chứng.

Việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản... trong những thời gian qua tiếp tục được tăng cường theo định hướng phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng đã góp phần làm giảm công việc và chi phí của nhà nước, tăng cường tiếp cận công lý của người dân, bảo đảm an toàn pháp lý và thúc đẩy các giao dịch trong hoạt động kinh tế, dân sự, việc phát triển các nghề mới như thừa phát lại, quản tài viên cũng được quan tâm thực hiện (Tính đến tháng 12/2022 trên cả nước có khoảng 18000 luật sư, 3.100 công chứng viên, 1.200 đấu giá viên, 400 thừa phát lại, hơn 700 trọng tài viên, 300 quản tài viên đang hành nghề)... đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (nhất là đối với lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản) tiếp tục được tăng cường, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, thông qua đó từng bước góp phần chuyển biến về nhận thức và tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp. Trên cơ sở kết quả thanh tra, tính đến tháng 12/2022, Cục đã ban hành 14 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 225.500.000 đồng.

Việc chỉ đạo, tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp cho địa phương đã được thực hiện kịp thời, không để tồn đọng, nhất là việc trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và cử tri; duy trì kỷ cương, kỷ luật hành chính của đơn vị cơ bản được thực hiện tốt…

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác bổ trợ tư pháp trong năm qua cụ thể như: Một số nhiệm vụ về xây dựng văn bản còn chưa đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng) để đáp ứng chỉ tiêu 100% thủ tục hành chính được nâng cấp còn gặp khó khăn do đặc thù về quy trình, nghiệp vụ và tính phức tạp của thủ tục…

Cục Bổ trợ tư pháp xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đó là: Tham mưu xây dựng trình Chính phủ Luật Công chứng (sửa đổi); tham mưu trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi); xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi).

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, tăng cường thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động công chứng, đấu giá tài sản…

Nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp

Ghi nhận những thành tích trong năm 2022 và cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2023 của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ Cục cần lưu ý tập trung triển khai trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cụ thể, tập trung tham mưu triển khai một số nội dung liên quan trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp được nêu tại Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, điều hành và có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là đối với các lĩnh vực quản lý có tính nhạy cảm và phức tạp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản.

Tăng cường chấn chỉnh một số nội dung trong hoạt động cấp phép của đơn vị, bảo đảm thời hạn quy định của pháp luật, không sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực luật sư, công chứng.

Đồng thời, tiếp tục rà soát hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp để tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội Nghề nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, giúp cho tập thể Cục Bổ trợ tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đưa công tác bổ trợ tư pháp ngày càng phát triển bền vững.

Đọc thêm