Nâng cao hơn nữa vai trò bảo vệ môi trường của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm của toàn hệ thống, trong đó có vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự sáng tạo và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp (DN).
Người lao động EVN duy trì môi trường làm việc xanh, sạch. (Ảnh: EVN)
Người lao động EVN duy trì môi trường làm việc xanh, sạch. (Ảnh: EVN)

Tạo thói quen bảo vệ môi trường

Tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường (do Báo Lao động tổ chức ngày 29/3), đại diện Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, BVMT là trách nhiệm của toàn hệ thống, trong đó có vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự sáng tạo và trách nhiệm của khu vực DN. Bên cạnh đó là sự chủ động tham gia, giám sát của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng. Trong những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho không chỉ người lao động (NLĐ) mà còn hướng tới các chủ DN trong việc giữ gìn và BVMT, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, hầu hết các DN trong ngành đều đã và đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Bên cạnh các mục tiêu sản xuất kinh doanh (SXKD), các DN cũng dành nhiều nguồn lực, chi phí cho công tác BVMT. Nhiều DN trong hệ thống đã triển khai và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 140000 cho toàn bộ hoạt động SXKD tích hợp với hệ thống quản lý chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về BVMT.

Một số biện pháp thích ứng nhằm dịch chuyển sang sản xuất xanh cũng được DN dệt may thực hiện như chú trọng cảnh quan, môi trường xung quanh nhà máy bằng cách trồng cỏ, trồng nhiều cây xanh tại các khu vực sản xuất phát sinh nhiệt cao; Thay thế thiết bị cũ sử dụng nhiều năng lượng sang loại thiết bị tiên tiến, tiết kiệm điện năng; Nhiều DN tận dụng mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, áp dụng các công nghệ mới trong xử lý nước thải... Hàng năm, các DN đều thực hiện quan trắc môi trường, đăng ký và quản lý nguồn chất thải độc hại theo tiêu chuẩn luật định.

Ông Dương cho biết thêm, những quy định của DN về phân loại rác thải, chất thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho NLĐ không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được NLĐ áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Hầu hết NLĐ đã biết nhận diện loại rác thải nguy hại trong SXKD của DN như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại... để phân loại, thu gom và xử lý theo quy định.

Kinh nghiệm từ EVN

Ông Vũ Văn Minh - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Công đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, trong thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã ban hành Quy chế BVMT trong toàn Tập đoàn. Tất cả các đơn vị đều bố trí người làm công tác môi trường, EVN cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn để tiếp tục phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của pháp luật về BVMT, đồng thời kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện các quy định mới của các đơn vị.

Ông Minh chia sẻ thêm, với nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội nên EVN đã phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) như nhiệt điện than, nhiệt điện khí; nhà máy thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Hướng tới phát triển bền vững, EVN đã quyết liệt chỉ đạo và quán triệt các đơn vị thành viên thực hiện đồng bộ các giải pháp song hành sản xuất với BVMT. Các NMNĐ than đều đã được đầu tư công nghệ môi trường hiện đại và được khoác lên mình diện mạo xanh, sạch, đẹp.

Hiện EVN đang quản lý, vận hành 14 NMNĐ than, khí trải dài trên 3 miền Bắc - Trung - Nam. EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý môi trường xuyên suốt từ giai đoạn đầu tư, xây dựng dự án tới khi các nhà máy đi vào vận hành, đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý nước tuần hoàn, khí thải, tro xỉ. Cụ thể, tất cả các NMNĐ của EVN đều được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thu gom và xử lý nước thải bảo đảm đạt QCVN 40:2011/BTNMT đối với nước thải công nghiệp và Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT đối với nước thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Nước thải sau khi xử lý đáp ứng quy chuẩn được nghiên cứu và tái sử dụng một phần, quay ngược lại quy trình sản xuất.

Đối với khí thải của các NMNĐ, EVN đầu tư các hệ thống chuyên dụng lọc bụi tĩnh điện. Trong 5 năm 2016 - 2020, các kết quả quan trắc các thông số môi trường tại các nhà máy hầu như đều đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam về khí thải và nước thải. Một số NMNĐ áp dụng công nghệ hiện đại như Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng... có thông số phát thải thấp hơn nhiều so với ngưỡng quy chuẩn Việt Nam.

Đọc thêm