TS. Hồ Quang Huy, Ủy viên BCH Đoàn khối, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự còn có đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Phó Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể, Bộ Tư pháp cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương và các đoàn viên, thanh niên của Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồ Quang Huy nhấn mạnh, xây dựng chính sách, phân tích chính sách là đòi hỏi khắt khe trong quá trình xây dựng pháp luật và cũng là một trong những điểm mới của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Phân tích và xây dựng chính sách không chỉ là thách thức đối với công chức, viên chức trẻ nói riêng mà còn đối với cả cán bộ, công chức, viên chức nói chung trong xây dựng pháp luật. Thách thức này đặt ra yêu cầu về đổi mới tư duy, cách tiếp cận, nhìn nhận vấn đề đối với các đoàn viên, thanh niên của các bộ, ban, ngành để từ đó có được cách nhìn đúng đắn, đánh giá toàn diện việc phân tích chính sách. Ông Huy cũng khẳng định, tọa đàm là cơ hội quý để đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức trẻ chia sẻ, học tập kinh nghiệm từ các chuyên gia trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phân tích chính sách trong phạm vi của Bộ Tư pháp cũng như của các bộ, ngành khác.
Tham dự tọa đàm, các đoàn viên, thanh niên đã được nghe Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa giới thiệu những vấn đề cơ bản về chính sách và kỹ năng phân tích chính sách. Theo đó, tiêu chí để đánh giá một văn bản, chính sách tốt là phải giải quyết mục tiêu vấn đề đặt ra trên cơ sở đảm bảo tính kinh tế, hiệu quả. Các chính sách thể hiện trong văn bản phải rõ ràng, bảo đảm nhất quán với chính sách chung của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực mà dự thảo điều chỉnh.
Nội dung văn bản phải hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phải tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Nội dung quy định trong dự thảo phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; minh bạch, cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện; đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, chế tài đặt ra phải hợp lý, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm. Bà Thoa cũng đề cập tới các bước cơ bản của phân tích chính sách gồm xác định vấn đề cần giải quyết; ảnh hưởng của vấn đề; nguyên nhân của vấn đề; liệt kê, phân tích và đánh giá tác động của các giải pháp, phương án; đề xuất phương án tối ưu.
Trưởng phòng (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính) Nguyễn Quỳnh Liên đã phân tích một số ví dụ và kinh nghiệm thực tiễn về phân tích chính sách. Trong đó lưu ý tới một số kinh nghiệm để phân tích tốt chính sách là cần so sánh với tiền lệ trong nước, dựa trên các kết quả nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, tham vấn cán bộ có kinh nghiệm, tiến hành thí điểm… Các đại biểu đã sôi nổi trao đổi, thảo luận và đưa ra một số lưu ý trong phân tích chính sách như cần xác định đúng, trúng, đầy đủ nguyên nhân để làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp; không bao giờ chỉ có một giải pháp cho một vấn đề; cần xem xét tính hai mặt của từng giải pháp. Ngoài ra, cần phân tích tác động của mỗi giải pháp trên các khía cạnh như kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…