Sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đặc biệt, những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế trong những năm gần đây đã có những tác động tích cực đến việc phát triển nghề LS ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hoạt động LS ở nước ta trưởng thành nhanh chóng. Số lượng LS đã tăng lên đáng kể và đang có xu hướng ngày càng phát triển, chất lượng hoạt động cũng từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, số lượng LS thông thạo pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết tranh chấp thương mại, tư vấn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong đàm phán, kinh doanh có yếu tố nước ngoài còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Để góp phần nâng cao khả năng của đội ngũ LS Việt Nam trong việc tham gia giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, tư vấn các vụ việc có yếu tố nước ngoài, ngày 18/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ LS phục vụ hội nhập quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”.
Nghị quyết số 49/NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng LS: “Đào tạo, phát triển đội ngũ LS đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn”. Một trong những định hướng quan trọng được nêu lên trong Nghị quyết số 49 là “phát triển đội ngũ LS đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của LS, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”.
Tuy nhiên, thực trạng chất lượng không đồng đều của đội ngũ LS cho thấy việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với LS là nhu cầu thật sự cần thiết, phù hợp với hoạt động nghề LS của nhiều nước trên thế giới. Thực tiễn cho thấy chất lượng của những người không phải trải qua quá trình đào tạo nghề LS hoặc được miễn tập sự hành nghề LS rất đáng quan ngại đối với cơ quan quản lý nhà nước và Liên đoàn LS Việt Nam.
Một thực tế khác nữa về chất lượng LS đó là trình độ ngoại ngữ. Khi đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng thị trường dịch vụ pháp lý cho LS. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cạnh tranh cũng đã và đang trở thành thách thức đối với các tổ chức hành nghề trong nước và nước ngoài. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có điều kiện khá mở cho hoạt động của tổ chức LS nước ngoài tại thị trường trong nước. Các tổ chức LS nước ngoài có uy tín tại Việt Nam đang chiếm ưu thế trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nước ngoài. Chính áp lực cạnh tranh đó đòi hỏi các tổ chức LS trong nước không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng uy tín để có thể thành công trong hoạt động hành nghề.
Điều này cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng LS là hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đội ngũ LS về cả số lượng và chất lượng. Nếu như việc đào tạo nghề LS là đào tạo nguồn để một người là cử nhân luật có thể trở thành LS thì bồi dưỡng LS giúp cho người đã là LS được nâng cao thêm hiểu biết về pháp luật, nhất là những quy định mới của pháp luật trong nước, quốc tế; nâng cao về kỹ năng hành nghề, bản lĩnh nghề nghiệp… Vì vậy, vấn đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có nội dung bồi dưỡng về ngoại ngữ được xem như một nhu cầu cần thiết đối với LS để có thể tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường này, trước mắt là thị trường trong nước.
Mặt khác, để hoạt động LS phát triển, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS, tổ chức hành nghề và chính cá nhân mỗi LS. Bên cạnh việc hoạch định chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển nghề LS, sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước là hết sức quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh của LS trong nước cũng như với nước ngoài. Sự hỗ trợ có thể dưới các hình thức như hỗ trợ về nguồn nhân lực bằng việc cấp kinh phí đào tạo LS phục vụ hội nhập, trong đó có đào tạo ở nước ngoài; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của LS… Cùng với đó, Liên đoàn LS Việt Nam, các Đoàn LS địa phương cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho LS, chú trọng công tác giám sát việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông để xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của LS và dịch vụ pháp lý của LS.