Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp

(PLO) - Sáng nay 25/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2018. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng Ban Nội chính TW Phan Đình Trạc; Lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành chức năng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (trái)  và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (phải)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (trái) và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (phải)

Về phía Bộ Tư pháp, có Bộ trưởng Lê Thành Long, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, Lê Tiến Châu.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã báo cáo tóm tắt tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương đối với công tác tư pháp, pháp chế tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương với quyết tâm đổi mới theo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân. Các mặt công tác cụ thể từ xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; thi hành án dân sự đến phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật… đều đạt kết quả tích cực. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nên bước sang năm 2018, công tác tư pháp và pháp chế sẽ tập trung thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực gắn liền với người dân, doanh nghiệp…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm các kết quả công tác, phản ánh một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp để phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện chưa có bất kỳ văn bản nào quy định về kiểm tra đối với doanh nghiệp nên khó tránh chồng chéo trong công tác này và không xử lý được doanh nghiệp vi phạm. Ông Thắng đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp sớm hoàn thiện pháp luật về thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu đề xuất Bộ Tư pháp quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm pháp chế của các bộ, ngành, địa phương. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả, thành tích mà toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2017.

Nhấn mạnh bối cảnh đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen, Chủ tịch nước cho rằng, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Tư pháp đặt ra rất nặng nề. 

Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, nhất là về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Bên cạnh đó, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị 

Đồng thời phải chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tăng cường công tác theo dõi thi hành án hành chính; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội... 

Đặc biệt, theo Chủ tịch nước, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, yếu tố con người - đội ngũ cán bộ tư pháp giữ vai trò quyết định. Vì vậy, ngành Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp...

Đọc thêm