Xin tiền xây trường lớp cho trò nghèo
Sinh ra ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), tuổi thơ cô Hoa sớm chịu bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô Hoa trở về quê hương dạy học.
Sau 1 năm dạy học ở xã vùng khó khăn Trà Bùi (huyện Trà Bồng), năm 1997, cô tiếp tục được phân về phụ trách giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa xã Trà Nham.
Những ngày vào các điểm trường dạy học, cô Hoa gặp phải vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Hàng ngày chứng kiến học trò đến lớp với tấm áo không lành, chân trần lấm bẩn, ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát đã thôi thúc cô Hoa phải làm một điều gì đó để bù đắp cho các em.
Sau nhiều đêm trăn trở, cô quyết định kết nối, chia sẻ với những bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi trên cả nước về những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn mà con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi mình dạy học, ghi lại cuộc sống, sinh hoạt, học tập, ăn ở của học trò rồi đăng lên facebook. Và thế là, những món quà là những tấm áo, chiếc quần, tập vở, trang sách, thậm chí cả gói bánh, cân gạo… được mọi người khắp trên cả nước san sẻ gửi về trong niềm hạnh phúc của cô trò. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô trò khi nhận tin vui từ Bộ Công an và Thành đoàn Đà Nẵng trao kinh phí xây dựng 7 phòng học mới thay thế cho các phòng học tạm bợ cho nhà trường.
Nhớ lại điều này, cô Hoa tâm sự: “Bao năm gắn bó công tác ở đây, nỗi trăn trở lớn nhất của tôi cũng như nhiều giáo viên khác là nỗi lo về cơ sở vật chất trường lớp, phòng học của cô trò chỉ là phòng ốc tạm bợ bằng tranh tre, vách nứa, với mấy bộ bàn ghế cũ, còn dụng cụ học tập thì không có gì. Bởi vậy, khi nghe tin, cô trò mừng quá, ôm lấy nhau reo mà nước mắt dâng trào”.
Có được nguồn kinh phí xây trường nhưng công tác triển khai xây dựng lại gặp khó khăn vì không có mặt bằng xây dựng. Qua nhiều lần đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo địa phương nhưng không giải quyết được vì người dân không đồng ý giao mặt bằng cho chính quyền. Trước tình thế đó, cô Hoa đánh liều xuống tận thôn, nóc, vào từng gia đình người dân vận động hiến đất xây trường.
Ngày khánh thành 7 phòng học với kinh phí xây dựng gần 1,2 tỷ đồng đúng vào khai giảng năm học 2016 - 2017 không chỉ cô trò mà cả người dân nơi đây đều vui mừng. Các phòng học được xây dựng theo mô hình trường lắp ghép bằng khung thép bán kiên cố, tạo nên một khu liên hoàn, khang trang, sạch đẹp. Cảm xúc sung sướng, hạnh phúc đó đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tim cô Hoa như mới hôm qua.
Có được niềm tin từ những lần vận động, hỗ trợ xây trường, cô tiếp tục kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các hội từ thiện khác. Đáp lại sự kiên trì, bền bỉ đó, nhóm từ thiện Phước Hạnh (TP HCM) và nhóm thiện nguyện Quảng Ngãi đã cấp kinh phí 800 triệu đồng để xây dựng hệ thống sân trường, công trình nước sạch, nhà vệ sinh.
“Nghề giáo đã cho tôi lẽ sống”
Theo cô Hoa, 100% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, công tác giáo dục con em học sinh gần như “khoán trắng” cho nhà trường. Do vậy, bên cạnh dạy kiến thức cho học sinh thì giáo dục đạo đức, lối sống, nền nếp cho các em là điều hết sức khó khăn đối với cán bộ, giáo viên.
“Hầu hết các em khi bước vào lớp 1 có năng lực giao tiếp tiếng Việt còn rất hạn chế. Các em đều rất rụt rè trong giao tiếp, nhất là đối với người lạ, hay tự ái và luôn cảm thấy xấu hổ trước mọi người… Đây thực sự là những lý do khiến cho công tác giáo dục của thầy cô, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”, cô Hoa cho biết.
Từ kinh nghiệm giảng dạy, làm công tác quản lý của mình, ngay từ khi được phân công về phụ trách Trường Tiểu học Trà Nham, cô Hoa lấy công tác xây dựng nền nếp trường học, tạo dựng các kỹ năng sống, sinh hoạt, giao tiếp cho học sinh làm nền tảng, điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
“Trên cương vị là người quản lý trường học, tôi luôn tâm niệm, làm sao để trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Để giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, thầy cô giáo thật sự là những tấm gương sáng mẫu mực”, cô Hoa chia sẻ.
Hơn 20 năm cống hiến cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Hoa vẫn không nguôi ngọn lửa yêu nghề, nhiệt tâm cống hiến cho giáo dục vùng khó. Bởi vậy khi nói về nghề của mình, cô Hoa tâm sự: “Nghề giáo đã cho tôi niềm vui, cho tôi lẽ sống và các em học sinh là động lực, là cảm hứng cho tôi trong công việc mỗi ngày”.