Theo số liệu mới nhất, Bộ Tư pháp đã nhận được 11 báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 35 báo cáo của 63 địa phương. Về cơ bản UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1. Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoạt động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương mình.
Đa số bộ, ngành, địa phương đều đã chú trọng triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp để giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, đơn giản hóa TTHC, giảm số ngày thực hiện TTHC liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Nhiều địa phương đã thực hiện công khai các TTHC trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và đổi mới phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính, công ích.
Nhiều các bộ, ngành, địa phương cũng đã tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động. Nhiều địa phương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng tường công tác nắm bắt thông tin, theo dõi hoạt động của doanh nghiệp để chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp, thiết lập và duy trì hoạt động của các diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn giải đáp cho doanh nghiệp.
Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành pháp luật, công tác này được thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành các văn bản về việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, vì đây là nhiệm vụ mới nên hầu hết các báo cáo của địa phương về kết quả thực hiện vẫn còn mang tính hình thức, chung chung mà chưa đánh giá cụ thể kết quả thực hiện việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật trong phạm vi thẩm quyền của mình. Ngoài ra, qua theo dõi, tổng hợp hoạt động triển khai của địa phương có thể thấy, nhiều địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương giao khoán nhiệm vụ cho Sở Tư pháp, trong khi đây là hoạt động cần có sự trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin truyền thông…
Để bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp nâng xếp hạng chỉ số B1, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong phạm vi địa phương hoặc thuộc lĩnh vực quản lý triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan, địa phương mình theo nội dung hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn 1083 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn nâng xếp hạng chỉ số B1; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, yêu cầu báo cáo kết quả, thực hiện chế độ thưởng phạt nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ này, kịp thời biểu dương điển hình làm tốt. Đồng thời, thực hiện cấp kinh phí, bố trí sắp xếp cán bộ để thực hiện các công việc trọng tâm của năm 2019.