Năng lực trước thiên tai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những ngày vừa qua (nhất là ngày 29/5), Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc mưa lớn, không chỉ ngập, rối loạn giao thông, có địa phương có thiệt hại về người. Đó là diễn biến cực đoan của thời tiết. Nói như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi được phỏng vấn thì “mưa lớn bất thường như Hà Nội, hạ tầng của Mỹ cũng không chống chịu nổi”. Đáng nói, đây không phải là lần đầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2022, thiên tai nhiều bất thường (mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị; rét lịch sử cuối tháng 2 năm 2022, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; động đất liên tiếp tại Kon Tum).

Rõ ràng, nâng cao năng lực để chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), từ dự báo thời tiết đến xử lý các tình huống khi thiên tai bất thường xảy ra là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) còn nhiều hạn chế. Đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp. Công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm "bốn tại chỗ" chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức, “khẩu hiệu”.

Ngập lụt cuối tháng 5 ở Hà Nội cũng như việc ứng phó với thiên tai ở nhiều địa phương cho thấy khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước sự ảnh hưởng của thiên tai. Lực lượng có nhiệm vụ thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác PCTT, TKCN; vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong bão, lũ; công tác khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, không dứt điểm, thiếu nguồn lực; vận hành liên hồ chứa còn bất cập. Đã xảy ra rất nhiều đáng tiếc trong việc xả lũ, gây hậu quả không nhỏ cho tài sản và đời sống nhân dân vùng hạ lưu.

Vấn đề hiện nay là phải làm tốt công tác dự báo, cảnh báo; nâng cao năng lực TKCN từ cấp xã, chú trọng công tác phối hợp. Chắc chắn là không phối hợp thì không thể thực hiện được, hoặc hiệu quả rất hạn chế.

Luật PCTT (Luật số 33/2013/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã và đang phát sinh những vấn đề bất cập, vướng mắc và khoảng trống pháp lý cơ bản. Nhiều loại hình thiên tai chưa được phân cấp rủi ro thiên tai; một số cấp độ rủi ro thiên tai được phân cấp chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai. Lực lượng phòng chuyên trách PCTT các cấp chưa được kiện toàn, hầu hết cán bộ cấp xã chưa được đào tạo nên việc triển khai hoạt động ở cơ sở còn hạn chế.

Do vậy phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động PCTT và TKCN bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang pháp lý đầy đủ; bổ sung các chế tài bảo đảm thực thi, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, xã hội hóa hoạt động PCTT và TKCN; đẩy mạnh bảo hiểm rủi ro thiên tai,… Tất nhiên, để PCTT, TKCN hiệu quả, không thể không tính đến tầm nhìn của quy hoạch.

Đọc thêm