Nắng nóng ảnh hưởng tới du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng nóng lên toàn cầu không những ảnh hưởng đến sự sống của trái đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành “công nghiệp không khói”. Mùa cao điểm du lịch hè đáng lẽ được kỳ vọng sẽ bùng nổ cũng đang gặp nhiều rủi ro bởi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Nhiều điểm du lịch vắng vẻ vì nắng nóng. (Ảnh - Desiree Cottura)
Nhiều điểm du lịch vắng vẻ vì nắng nóng. (Ảnh - Desiree Cottura)

Thời gian qua, hiện tượng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đáng kể tới một số điểm đến du lịch ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Việc nhiệt độ toàn cầu tăng cao đã và đang ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch và sức khoẻ của du khách ở nhiều nơi trên thế giới.

Tại Mỹ, nhiệt độ ở Thung lũng Chết - nằm giữa bang California và Nevada - được ví như nơi nóng nhất trên trái đất lên tới 53,3 độ C. Du khách ở hai bang Texas và Florida cũng phải đối mặt với thời tiết đặc biệt nóng trong những tuần gần đây.

Trước đó, các nước tại Đông Nam Á cũng đã trải qua đợt nắng nóng “200 năm có một” vào tháng 4, tháng 5 năm nay. Nhiệt độ đã đạt đến mức chưa từng ghi nhận trước đây ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả các “điểm nóng” du lịch Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C, Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C và kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Việt Nam bị phá vỡ với nhiệt độ 44,2 độ C.

Theo các chuyên gia, ngành “công nghiệp không khói” phụ thuộc vào tình trạng ổn định của khí hậu hơn nhiều ngành kỹ nghệ khác. Khí hậu khắc nghiệt có ảnh hưởng trực tiếp đến các trải nghiệm của du khách và cơ sở hạ tầng du lịch, cũng như có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho các điểm du lịch và cư dân tại chỗ.

Ngành “công nghiệp không khói” tại Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của thời tiết. Nếu như mọi năm thời gian này du lịch bước vào mùa cao điểm khi học sinh nghỉ hè. Thế nhưng năm nay, trái ngược với kỳ vọng bùng nổ của du lịch hè, nhiều công ty du lịch bày tỏ sự bất ngờ vì vắng khách ngay giữa mùa cao điểm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do du khách Việt ngày càng thắt chặt chi tiêu sau dịch, một phần là do nhiều du khách ám ảnh thời tiết nắng nóng của mùa hè. Cũng vì vậy mà nhiều người đã lựa chọn du lịch trái mùa, bên cạnh việc chi phí rẻ, có nhiều ưu đãi thì việc được tận hưởng thời tiết dễ chịu là lý do chính.

Chị T.Vân (26 tuổi, Hà Nội) cho biết hè này cả gia đình chị đều quyết định sẽ không đi du lịch. Chia sẻ về lý do, chị T.Vân cho hay: “Năm nay từ tháng 5 tôi đã định lên kế hoạch cho cả gia đình đi xả hơi một chuyến. Thế nhưng, thấy thời tiết nắng nóng kỷ lục kéo dài và nghĩ đến cảnh chen chúc nhau dưới thời tiết nắng như đổ lửa mà tôi ái ngại. Nếu đi như vậy thì chả khác gì hành xác, mà giá thành đâu có rẻ. Vậy nên cả nhà tôi quyết định năm nay chỉ nghỉ ngơi tại gia”.

Trên thực tế, việc thời tiết không chiều lòng người sẽ khiến cho chuyến du lịch có nguy cơ không diễn ra như du khách mong muốn, thậm chí là “mất vui”. Ở những khu vực có nhiệt độ nóng như thiêu đốt, khách du lịch có thể gặp khó khăn khi tham quan và cần phải điều chỉnh hoặc cắt giảm hành trình. Chưa kể đến việc nắng nóng còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ như say nắng, kiệt sức, mất nước… Vì vậy, đối với những du khách vẫn muốn du lịch mùa hè này cần trang bị cho mình “bí kíp” thích nghi với thời tiết nắng nóng. Cụ thể là lựa chọn quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, bôi kem chống nắng khi ra ngoài, uống nhiều nước, tránh những giờ cao điểm của ánh nắng mặt trời và học cách sơ cứu khi gặp bệnh mùa nắng nóng...

Đồng thời doanh nghiệp, hướng dẫn viên và ngành du lịch nói chung cần phải có những phương án thích nghi để bảo đảm sức khoẻ cho du khách. Hơn hết, ngành du lịch cần có trách nhiệm với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững, nâng cao nhận thức về vấn đề này bởi đây chính là nguyên nhân cốt lõi. Khắc phục được điều này sẽ giúp hạn chế sự suy giảm lượng khách du lịch đến cũng như doanh thu, giảm bớt tổn thất, việc làm cho ngành Du lịch.

Đọc thêm