Du khách cẩn trọng khi đi du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, có không ít tai nạn khi đi du lịch hết sức thương tâm. Việc phòng tránh và đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch luôn được đặt lên hàng đầu.
Những du khách thông thái sẽ có những chuyến đi, thư giãn an toàn và bổ ích. (Ảnh: Internet)
Những du khách thông thái sẽ có những chuyến đi, thư giãn an toàn và bổ ích. (Ảnh: Internet)

Đau lòng khi đi du lịch gặp tai ương

Vào lúc 16h ngày 15/7/2023, tại bãi biển gần một resort ở phường Phú Hài (TP Phan Thiết), nhóm du khách từ TP HCM xuống tắm biển thì có 7 người bất ngờ bị sóng cuốn ra xa. Phát hiện sự việc, lực lượng cứu hộ bờ biển phối hợp với các cá nhân kinh doanh dịch vụ ca nô nước đang chạy ven bờ đã khẩn trương cứu vớt, đưa 7 người bị nạn vào bờ. 5 người được sơ cứu kịp thời nên thoát chết. 2 nạn nhân còn lại là bà Đ.T.L.P (28 tuổi) và ông V.T.H (29 tuổi) cùng ngụ tại TP HCM nguy kịch, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa An Phước cấp cứu.

Trước đó, khoảng 15h30 ngày 12/7/2023, một nhóm gồm 6 người đi du lịch đã tắm tại thác Ba Tiên, huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang). Trong quá trình nhảy xuống suối, do nước sâu lại không biết bơi nên anh T.X.H, sinh năm 1999, hộ khẩu thường trú tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã bị đuối nước. Phát hiện sự việc, nhóm bạn và người dân đã đưa H đến trạm Y tế xã Du Già cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong lúc 18h cùng ngày.

Ngày 17/6/2023, trong cùng một ngày, tại bãi biển Trà Cổ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 1 người đàn ông và một bé trai 14 tuổi tử vong

Khoảng 18h ngày 3/5/2023, đoàn du khách khoảng 20 người đi du lịch chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). Trên đường trở về bằng thuyền qua đập nhà thuyền bị mắc cạn. Trong lúc cùng mọi người đẩy thuyền ra khỏi nơi mắc cạn, có 5-6 du khách bị sẩy chân xuống khu vực nước sâu, chới với. Nhóm du khách sau đó được ứng cứu đưa lên bờ, còn anh P.H.C (31 tuổi, trú tỉnh Phú Thọ) không may bị nước cuốn trôi.

Đi du lịch và chụp hình, sống ảo từ lâu luôn là khái niệm đi đôi với nhau khó có thể tách rời. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi du khách lưu giữ lại từng khoảnh khắc trong chuyến đi của mình để về chia sẻ cho bạn bè, người thân những cái hay, cái đẹp của nơi mình từng đặt chân qua. Chụp ảnh là một phần không thể thiếu trong các chuyến đi, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội lên ngôi như hiện nay. Thú vui chụp ảnh “tự sướng” ở những nơi nguy hiểm như trên nóc tòa nhà cao tầng, trước một bờ vực sâu hun hút hay đoàn tàu đang chạy khiến du khách chấp nhận mạo hiểm. Bỏ qua hoặc khinh thường những cảnh báo cũng khiến nguyên nhân tử vong này tăng cao.

Nhiều trường hợp không những bị chấn thương mà còn phải bỏ mạng chỉ vì những bức hình. Khoảng 15 giờ ngày 16/6/2023, một nhóm du khách đến tắm, chơi tại thác Sao Va, bản Long Quang, xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An). Sau khi tắm xong, bà N.T.H.Y (41 tuổi, trú xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An) cùng 2 người bạn ra thác để chụp ảnh. Trong lúc chụp ảnh, không may cả 3 người bị trượt chân xuống vùng nước sâu. Mọi người thấy vậy chạy lại ứng cứu và kéo được 2 người lên. Riêng bà H.Y bị nước nhấn chìm và tử vong. Được biết, khu vực xảy ra vụ tai nạn, địa phương này đã cắm nhiều biển cảnh báo nguy hiểm nhưng du khách không chú ý, dẫn đến sự việc đau lòng trên.

Du khách cần tuân thủ các biển báo cấm và biển báo nguy hiểm. (Ảnh: Internet)
Du khách cần tuân thủ các biển báo cấm và biển báo nguy hiểm. (Ảnh: Internet)

Chiều 17/3/2023, tại mỏm đá “sống ảo” hay “mỏm đá tử thần” thuộc địa phận thôn Xéo Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), một khách du lịch nam mang quốc tịch Anh trong khi leo ra mỏm đá để chụp ảnh thì bị đá lở ở trên cao rơi trúng người. Nạn nhân bị ngã, thương tích ở chân trái.

Chiều 20/7/2022, một nhóm du khách gồm 3 nam, 5 nữ lựa chọn dốc suối Bà La, thuộc thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) để tham quan, du lịch. Đến 15h chiều cùng ngày, anh Nguyễn Tất Tuấn Kh (sinh năm 1976, Việt kiều Canada và chị Phan Đỗ Bảo Nh (sinh năm 2000) đã đến khu vực thác cao của suối Bà La để chụp hình không may anh Kh bị trượt chân ngã xuống thác nước và tử vong.

Khoảng 15 giờ ngày 10/7/2022, có 3 nữ sinh (trong độ tuổi 16; ngụ xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) rủ nhau lên khu vực cầu Lạc (cầu đường sắt Bắc - Nam) ở xã Tế Nông (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) để chụp ảnh. Do mải mê chơi trên đường ray, khi tàu tới gần, 3 nữ sinh thấy vậy liền tránh vào nơi an toàn. Tuy nhiên, do bỏ quên túi xách, nữ sinh H.N.A (SN 2006) đã quay lại đường ray lấy túi và bị đoàn tàu lao tới tông tử vong.

Vụ tai nạn 2 thanh niên tử vong do mải chụp ảnh xảy ra vào trưa 13/7/2016, tại khu vực đường dân sinh cắt qua đường sắt ở Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Vào thời điểm trên, có một nhóm thanh niên gồm 3 người băng qua đường sắt, hai người trong số họ dừng lại chụp ảnh trên đường ray bằng điện thoại. Khi thấy tàu đang đến gần, nhiều người lên tiếng gọi nhưng hai thanh niên này không nghe thấy do đang đeo tai nghe.

Làm gì để đi du lịch an toàn, bổ ích?

Có thể thấy, một số vụ tai nạn thương tâm khi đi du lịch trong thời gian gần đây là lời cảnh báo đối với những du khách có tâm lý muốn khám phá, chinh phục khi thiếu các kỹ năng cũng như thông tin về điểm đến. Ngoài ra, tình trạng nhiều nhóm người đi tham quan, du lịch tự phát và không có sự giám sát, quản lý đã dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Cách đây vài năm, thông tin một khách du lịch bị cuốn trôi cả người và xe khi đi qua chiếc đập tràn vào khu nhà Ma rừng lữ quán tại Đà Lạt làm xôn xao giới lữ hành. Nhiều đoàn khách lũ lượt kéo qua con đường ấy vẫn đi theo kiểu “hồn nhiên” - chỉ thuê một chiếc xe của khách sạn hoặc nhà nghỉ mà không hề kiểm tra máy xe, nhông sên, rãnh vân bánh... nên khi đổ những con dốc dài với độ nghiêng trên 45o, xe dễ bị trượt ngã. Chưa kể, nhiều khách liều lĩnh “đổ đèo” bằng xe tay ga nên cũng dễ ngã ở các khúc cua. Một số khách, dù có ý thức thuê xe số gầm cao, lại chưa biết cách sử dụng số 1 và số 2 trên đường dốc hay nhiều đá, trơn trượt gây thương tích, thậm chí tử vong…

Ông Nguyễn Văn Dũng chuyên gia nghiên cứu du lịch đưa ra lời khuyên, trước khi chu du tới bất kỳ đâu, du khách cần cân nhắc trang bị đầy đủ kiến thức về nơi mình đến. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thông tin quan trọng về điểm đến trong chuyến hành trình của mình, đặc biệt là những nơi thường xuyên tiềm ẩn những nguy hiểm, để từ đó hạn chế được những rủi ro, “ác mộng”.

Du khách cần cẩn trọng trong từng chuyến đi. (Ảnh: Internet)

Du khách cần cẩn trọng trong từng chuyến đi. (Ảnh: Internet)

Khách du lịch, nhất là các bạn trẻ hãy cẩn trọng khi đi tham quan, du lịch, tuân thủ các biển báo cấm, biển báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Du khách cần hạn chế chụp ảnh ở nơi nguy hiểm. Các quy tắc an toàn ở mỗi nơi là khác nhau, kể cả khi du khách chỉ du lịch trong nước, hiểm họa vẫn luôn rình rập....

Du khách cần có kế hoạch dự phòng cho mỗi chuyến đi, luôn cảnh giác, thường xuyên liên lạc với gia đình, lên kế hoạch về chỗ ăn, chỗ nghỉ đảm bảo an toàn. Du khách cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt để chuyến hành trình, trải nghiệm của mình được suôn sẻ nhất.

Nếu du khách thích đi du lịch sông nước, thì đến các khu vui chơi sinh thái - nơi luôn có những người giỏi, giàu kinh nghiệm hướng dẫn - để học và thực hành thành thạo các kỹ năng bơi, lặn. Dù biết bơi, khi phải đối mặt trước bất cứ tình huống hiểm nghèo đến thế nào đi nữa, du khách cần bình tĩnh, sáng suốt để có thể tìm ra phương án thoát nạn nhanh nhất. Những du khách hãy là những du khách thông thái để có những chuyến đi an toàn, bổ ích.

Về phía các cơ quan chức năng, các địa phương cần rà soát, cắm biển báo tại những điểm thường xuyên có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; làm rào chắn tại các thác nước, khe suối, mỏm núi chênh vênh… để đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các điểm du lịch mới bảo đảm an toàn cho du khách, vừa tạo cơ hội thay đổi sinh kế, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.

Đọc thêm