Nâng tầm du lịch Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều sự kiện khởi động lại hoạt động du lịch trên toàn quốc, các chương trình, sự kiện kích cầu du lịch. Ngành Du lịch cũng đẩy mạnh quảng bá, truyền thông du lịch qua các kênh truyền thông tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Việt Nam thu hút khách quốc tế. (Nguồn ảnh: Hà Nội Mới)
Việt Nam thu hút khách quốc tế. (Nguồn ảnh: Hà Nội Mới)

Hàng loạt chuỗi sự kiện thu hút du khách

Hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực, tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt; vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Hình ảnh Du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục vinh dự nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023” lần thứ 4. Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” và nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức hàng loạt sự kiện khởi động lại hoạt động du lịch trên toàn quốc, các chương trình, sự kiện kích cầu du lịch. Tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội, hội chợ du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh; Tham gia hỗ trợ để tỉnh Bình Thuận chủ trì tổ chức thành công Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong cả nước.

Cụ thể, 11 hoạt động cấp quốc gia và 194 hoạt động cấp địa phương được tổ chức tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phối hợp, hỗ trợ địa phương tổ chức các sự kiện du lịch như: Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam 2023 tại Quảng Trị, Lễ hội Áo dài du lịch tại Hà Nội… Các địa phương trong cả nước cũng tích cực phát huy vai trò quảng bá hình ảnh du lịch thông qua tổ chức các sự kiện, lễ hội tại địa phương, điển hình như Festival Huế, Lễ hội Hoa Đà Lạt, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng... Một số sự kiện đã trở thành thương hiệu, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngành Du lịch cũng đẩy mạnh quảng bá, truyền thông du lịch qua các kênh truyền thông báo chí, trang web và mạng xã hội (Tik Tok, Facebook, Youtube…) tạo hiệu ứng lan tỏa. Chuyên trang quảng bá du lịch https://vietnam.travel hiện nay xếp hạng 128 nghìn trên toàn cầu, ở Đông Nam Á chỉ xếp sau website du lịch Singapore (hạng 79 nghìn). So với thời điểm cuối năm 2021, trang https://vietnam.travel đã tăng hạng đột phá (tăng 447 nghìn bậc). Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Sẽ tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Tuy nhiên, năm 2023, hoạt động du lịch còn tồn tại một số hạn chế. Tại Hội nghị “Triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch” vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo các Sở Du lịch tỉnh, thành phố, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã trình bày tham luận, ý kiến trao đổi về hiện trạng, khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa tỉnh, thành phố.

Theo đó, một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn; Thiếu cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao. Doanh nghiệp trong ngành nhìn chung có quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh trong khu vực còn hạn chế. Đáng chú ý, vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch như: kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, vi phạm về điều kiện ký quỹ, người điều hành, quảng cáo sai sự thật… Một số điểm đến du lịch còn tình trạng mất vệ sinh, không bảo đảm các điều kiện về an ninh, an toàn; chưa đủ năng lực phục vụ khách vào thời kỳ cao điểm du lịch…

Công tác quản lý nhà nước còn chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ kết nối, trực tiếp triển khai các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến tại thị trường, nhất là trong bối cảnh hoạt động bị đứt đoạn do tác động của đại dịch...

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho hay, thời gian tới, Cục sẽ tập trung triển khai có hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động du lịch, khắc phục những “điểm nghẽn”.

Đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đề nghị các sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư du lịch, phát huy vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển du lịch hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng công tác hoạch định chính sách, đổi mới tư duy về quản lý và phát triển du lịch; Tăng cường quản lý khu, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa cho phát triển du lịch bền vững; Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mới; Triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách, để “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”...

Đọc thêm