Nâng tầm pháp lý cho hoạt động chứng thực

Việc xây dựng Luật Chứng thực là hết sức cần thiết, nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn cũng như góp phần xây dựng nền hành chính nước ta trong sạch, lành mạnh, chính quy và hiện đại.

Khi Luật Công chứng được trình tại Quốc hội, có rất nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị phải xây dựng Luật Chứng thực. Tuy nhiên, do tại thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu với Chính phủ tạm thời điều chỉnh hoạt động chứng thực bằng nghị định. Còn hiện nay, hoạt động chứng thực đã tương đối ổn định thì việc xây dựng Luật Chứng thực là hết sức cần thiết, nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn cũng như góp phần xây dựng nền hành chính nước ta trong sạch, lành mạnh, chính quy và hiện đại.

Luật Chứng thực nhằm phục vụ người dân tốt hơn
Luật Chứng thực nhằm phục vụ người dân tốt hơn

Thể hiện mạnh mẽ tinh thần cải cách hành chính

Luật Công chứng, chỉ điều chỉnh tổ chức và hoạt động công chứng, được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10. Tiếp theo, ngày 18/5/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (viết tắt là NĐ79).

Như vậy, NĐ79 là văn bản đầu tiên đánh dấu sự ra đời của hoạt động chứng thực với tư cách là một hoạt động độc lập, tạo tiền đề để hoạt động chứng thực đi vào nền nếp. Thực hiện quy định của NĐ79, các địa phương trên toàn quốc đã có nhiều cố gắng trong việc tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện để phục vụ công tác này. 

Qua đánh giá của các địa phương cho thấy, NĐ79 đã thể hiện tinh thần cải cách hành chính một cách mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng thực, đáp ứng được những mong mỏi của người dân. NĐ79 không những đã giải quyết một cách cơ bản tình trạng ách tắc trong lĩnh vực công chứng, chứng thực tồn tại từ nhiều năm trước mà các thủ tục hành chính trong chứng thực theo NĐ79 là rất đơn giản, thời gian giải quyết việc chứng thực được rút ngắn đến mức tối đa.

Không những thế, NĐ79 đã đưa ra những quy định mới theo hướng tránh lạm dụng bản sao chứng thực trong các giao dịch hành chính. Ngoài ra, NĐ79 cho phép người dân có thể liên hệ với cơ quan, tổ chức cấp bản sao từ sổ gốc thông qua đường bưu điện.

Theo nhận định của Bộ Tư pháp: Với những giải pháp cơ bản nêu trên, NĐ79 đã góp phần không nhỏ trong việc làm thông thoáng và lành mạnh hóa thủ tục hành chính, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng thực.

Cần xây dựng đạo luật về chứng thực

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác chứng thực đã phát sinh không ít bất cập. Chẳng hạn, tính không tương thích về cấp độ giữa văn bản pháp luật về chứng thực (ở cấp độ nghị định) với các văn bản pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực chứng thực (ở cấp độ luật), khiến cho sự tuân thủ của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội đối với các quy định của pháp luật về chứng thực chưa cao.

Bên cạnh đó, việc các cơ quan, tổ chức yêu cầu sử dụng bản sao có chứng thực một cách tràn lan vẫn đang là một vấn nạn, bất chấp những quy định rất thông thoáng, tích cực của NĐ79 nhằm hạn chế tình trạng các cơ quan, tổ chức lạm dụng việc chứng thực bản sao từ bản chính…

Đặc biệt, tình trạng UBND cấp huyện và UBND cấp xã chứng thực hợp đồng, giao dịch khác còn rất phổ biến. Trên thực tế, việc chứng thực của UBND cấp xã đối với các hợp đồng, giao dịch không bảo đảm những nguyên tắc pháp lý như chỉ chứng nhận chữ ký hoặc chứng nhận hộ khẩu, chứ không chứng nhận tính hợp pháp và tính xác thực của hợp đồng, giao dịch. Mặt khác, việc UBND là cơ quan hành chính công trực tiếp thực hiện việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch là không phù hợp với nguyên lý về cải cách hành chính. 

Vì vậy, để phát huy những mặt tích cực, đồng thời khắc phục những mặt hạn chế trong công tác chứng thực, Bộ Tư pháp đang xúc tiến xây dựng Luật Chứng thực. Theo đó, Luật này dự kiến xác định rõ các hành vi chứng thực, cải tiến mô hình quản lý và thẩm quyền thực hiện chứng thực cho phù hợp với tình hình hiện nay, đề xuất trình tự và thủ tục tối ưu đối với từng việc chứng thực, chỉ ra các trường hợp chứng thực không hợp lệ…

Và một trong những nội dung cần quan tâm là có nên tách riêng chức danh của công chức thực hiện chứng thực theo hướng chuyên nghiệp hóa hay ghép với chức danh “hộ tịch viên” để thực hiện hai nhiệm vụ chứng thực và đăng ký, quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân được tốt nhất.

Một trong những hoạt động đầu tiên là hôm nay – 16/11 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc tọa đàm về một số cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng Luật Chứng thực. Thông tin về cuộc tọa đàm sẽ được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh vào số báo ngày mai (17/11).

Thục Quyên

Đọc thêm