Chết người, thương tật vì trò chơi
Vào tối 13/3/2015, tại khu vui chơi Nhà văn hóa thiếu nhi Cà Mau đã xảy ra vụ tai nạn khá nghiêm trọng. Hai em nhỏ 10 và 14 tuổi ở phường 8, TP Cà Mau đang chơi tàu lượn siêu tốc trong khu vui chơi thì bất ngờ toa tàu bị trượt đường ray khiến hai em văng xuống đất bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2014, tại tổ hợp giải trí lưu động Max Carnival (TP Hạ Long, Quảng Ninh), hàng trăm người đến chơi vui tại đây gặp phen hốt hoảng khi một cabin của chiếc đu quay chở 3 bố con bỗng dưng văng ra ngoài, rơi xuống đất khiến cả 3 đều bị thương.
Ngày 3/4/2014, tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), 12 học sinh của một trường THCS ở Hà Nội đang chơi đu quay thì hệ thống máy móc vận hành bị vỡ ti-ô thủy lực, không thể tiếp tục nâng lên cao. Chiếc đu quay rơi tự do xuống đất ở độ cao 2 mét khiến 12 học sinh đang ngồi trên đó hoảng loạn, 6 em học sinh kêu đau nhức được chuyển tới Bệnh viện Quân y 105 (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để khám chữa.
Nghiêm trọng hơn, chị Trần Thị Phượng (quê Bình Định, làm việc tại TP HCM) khi chơi trò đu dây Tarzan cảm giác mạnh ở Khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã rơi xuống sông tử vong vào chiều 22/2/2014.
Cũng mất mạng vì trò chơi là một nữ du khách ở TP HCM cùng 5 người tham gia trò chơi bay dù lượn trên không tại đảo Hòn Hồng, xã Hòa Thắng, tỉnh Bình Thuận vào tháng 11/2012 cũng đã va vào núi chấn thương nặng và tử vong sau đó...
Canô kéo dù - trò chơi mạo hiểm chạy dọc bờ biển, bãi tắm chính là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn cho du khách. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Điểu (ngụ TP Nha Trang) đang bơi tại khu vực biển đối diện đường Biệt Thự đã bị một canô kéo dù quệt vào đầu gây chấn thương. Năm 2007, canô kéo dù và môtô nước gây ra 3 vụ tai nạn làm 2 người chết, 2 người bị thương ở TP Nha Trang; năm 2009, canô dù kéo cũng gây ra 1 vụ tai nạn...
Đăng kiểm trò chơi cảm giác mạnh bằng…cảm quan?
Những trò này chỉ dành cho người ưa cảm giác mạnh, nhưng không có nghĩa là người chơi không sợ những tai nạn, rủi ro đến với mình, bởi tai nạn vì trò chơi mạo hiểm rất tàn khốc. Người chơi bị rơi xuống từ độ cao và vận tốc mạnh sẽ bị đa chấn thương: gãy xương, gãy tay, chân, gãy xương, chấn thương các tạng trong cơ thể… Ngoài ra, tai nạn thương tích có thể làm chảy máu ở bên ngoài hoặc xuất huyết trong nội tạng; đập đầu xuống đất gây chấn thương sọ não, nghiêm trọng hơn là tử vong.
Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên, ở một số nơi vui chơi, khâu đảm bảo an toàn với các trò chơi dường như ít được các cơ quan chủ quản chú ý. Họ cho rằng trang thiết bị của mình đạt chuẩn nên bỏ qua khâu kiểm duyệt. Họ chỉ chú tâm làm sao thu hút nhiều người chơi, kiếm nhiều lợi nhuận. Còn người chơi thì tự an ủi kiểu AQ - ai gặp nguy hiểm chứ mình thì không.
Khi tai nạn xảy ra, sự cứu hộ của nhân viên an ninh lại quá chậm chạp. Còn nhớ, khi chị Phượng bị rơi xuống sông, áo phao rơi ra khỏi người, chị chới với huơ tay cầu cứu và nhiều du khách trên bờ đã vội hô hoán, một số người bơi ra giúp. Tuy nhiên, sông ở đây rộng, nước lại quá sâu, những người can đảm bơi ra dần đuối sức nên đành quay vào. Theo những nhân chứng, ở khu vực vui chơi “Đu dây Tarzan” lúc này chỉ có một người làm nhiệm vụ bảo vệ, trông coi. Khi chị Phượng gặp nạn, người này cũng bơi ra ứng cứu nhưng không xoay xở gì được, đành quay vào bờ.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai lúc đó đã cho biết: “Vụ chết người vừa qua tại khu du lịch Bò Cạp Vàng thật đáng tiếc. Đây là sự cố mà đơn vị làm du lịch phải chịu trách nhiệm, nhất là công tác cứu hộ quá chậm trễ thật khó chấp nhận”.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho tai nạn ở trò chơi mạo hiểm gia tăng, đó là sự coi thường tính mạng của du khách. Họ kinh doanh trò chơi mạo hiểm mô tô nước chạy ầm ầm trong khu vực bãi tắm. Với tốc độ cao như vậy, nếu không may phương tiện này va quệt vào du khách tắm biển thì hậu quả khôn lường.
Khi xảy ra tai nạn, các chủ khu trò chơi thường trưng ra các bằng chứng để đổ lỗi cho người chơi còn họ vô can. Còn nhớ vụ tai nạn của chị NTTN (Đồng Nai) đã bị vỡ gan sau khi chiếc xe va chạm mạnh vào lề khi tham gia trò chơi mạo hiểm đua xe F1. Trong bệnh viện, chị D bức xúc. “Mới đây, nhân viên y tế của KDL có đến thăm hỏi, gửi hai hộp sữa bò và dặn tôi muốn khiếu nại gì thì sau khi xuất viện làm đơn, kèm hồ sơ điều trị tới công ty... Chúng tôi không đồng tình với việc KDL đổ lỗi tai nạn là do chúng tôi chạy sai tốc độ vì không ai hướng dẫn tốc độ chạy. Việc thắt dây an toàn cũng do nhân viên KDL thực hiện và không cảnh báo gì thêm…”.
Nhiều vụ tai nạn mà chủ KDL, chủ trò chơi cung cấp “bằng chứng” về sự vô can của họ như giấy đăng kiểm, giấy phép hoạt động, bảo hiểm tai nạn… để đổ lỗi cho người chơi. Trong khi đó, sau khi cơ quan kiểm định cấp giấy đăng kiểm thì khâu vận hành trò chơi không ai giám sát và tính mạng của người chơi phó mặc cho nơi tổ chức và nhân viên phụ trách trò chơi…
Nói về việc ai chịu trách nhiệm về chất lượng máy móc và độ an toàn của các trò chơi, lãnh đạo sở VH-TT&DL một tỉnh cho biết: Sở chỉ quản lý về chất lượng, giá cả dịch vụ, cơ sở lưu trú, còn chất lượng và độ an toàn của các trò chơi trong KDL thì gần như không có chuyên môn để kiểm tra. Còn một cán bộ sở LĐ-TB&XH khẳng định: “Các cơ quan quản lý nhà nước không chuyên sâu về lĩnh vực chất lượng của các trò chơi. Nếu trung tâm kiểm định đã có kiểm định về chất lượng thì Sở chỉ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu và ít khi thẩm định lại, chỉ kiểm tra bằng cảm quan. Khi đưa vào vận hành, thiết bị trò chơi đó được giao cho doanh nghiệp tự kiểm tra, bảo dưỡng, chịu trách nhiệm về chất lượng của thiết bị trò chơi đó. Chất lượng, sự an toàn của các trò chơi trong khi phục vụ du khách hầu như do KDL tự đảm bảo. Chỉ khi xảy ra vấn đề mất an toàn, cơ quan chức năng mới xuống ghi nhận”.
Có thể thấy, những lỗ hổng quản lý… mà cơ quan quản lý không kiểm tra được. Và người chơi phó mặc tính mạng mình cho những trò chơi đầy mạo hiểm.