Du lịch mạo hiểm “chui” khiến du khách thiệt đơn, thiệt kép

(PLO) - Mới đây, một vụ tử vong khi tham gia trò chơi mạo hiểm vượt thác đã xảy ra tại Lâm Đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp nhiều vụ tai nạn do tham gia các trò mạo hiểm đã xảy ra tại địa phương này, trong đó có không ít tour mạo hiểm “chui”. 
Du lịch mạo hiểm “chui” khiến du khách thiệt đơn, thiệt kép

Hậu quả đau lòng từ những vụ du lịch mạo hiểm “chui”

Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 23/2 tại thác Hang Cọp, Lâm Đồng làm một du khách người Ba Lan và một hướng dẫn viên người Việt tử vong. Đáng nói là đơn vị bán tour du lịch mạo hiểm nói trên, Công ty Giấc Mơ Vàng hoàn toàn không có chứng chỉ dịch vụ du lịch lữ hành quốc tế, cũng không được cấp phép khai thác của tour du lịch mạo hiểm. Thế nhưng, công ty này đã tự ý quảng cáo tổ chức tour, sau đó nhận khách nước ngoài và “bán” lại cho các hướng dẫn viên tự do để lấy “hoa hồng”. Khu thác Hang Cọp cũng là một khu vực cấm các trò chơi mạo hiểm, đã viết rõ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thế nhưng, vì ham lợi và liều lĩnh, những người làm du lịch nói trên vẫn bất chấp. 

Trong năm 2016, cũng tại tỉnh Lâm Đồng đã có vài trường hợp du khách tử vong vì các trò chơi mạo hiểm. Ngày 26/2/2016, 3 du khách người Anh đã tử nạn khi đang tham gia trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác do Công ty du lịch Đam Mê, Đà Lạt tổ chức tại khu vực thác Datanla, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Công ty này sau đó bị đình chỉ hoạt động do không mua bảo hiểm cho du khách, tự ý dẫn khách đến tham quan và xuống tắm thác nhưng trốn không mua vé tham quan của Khu du lịch thác Datanla. Gần quãng thời gian này, tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, một du khách ngoại quốc khác cũng tử vong khi tự ý nhảy xuống một hố nước sân khu vực thác Pongour để tắm. Cũng trong năm 2016, một nhóm du khách người Mỹ đã kể lại hành trình lén băng rừng, vượt thác và suýt chết đuối tại một khu thác nước ở Lâm Đồng.

Có thể thấy, hầu hết các vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến những trò chơi mạo hiểm đều có nguyên do từ sự… liều mạng. Du khách thì liều mạng tham gia các trò chơi mạo hiểm, không cẩn trọng khi lựa chọn đơn vị lữ hành, không cần đến bảo hiểm, thiết bị bảo hộ, thậm chí tự ý tổ chức các trò mạo hiểm mà không thông qua một đơn vị có trách nhiệm nào. Về phía các đơn vị lữ hành, vì muốn kiếm lợi, nhiều đơn vị cũng đã rất “liều” khi tổ chức các tour “chui”, thiếu sự bảo đảm an toàn cho du khách, phó mặc tính mệnh du khách cho thiên nhiên hoang dã.

Tiềm năng đi kèm hiểm họa

Dịch vụ trò chơi mạo hiểm tại Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng chỉ mới nở rộ trong vòng hơn hai năm trở lại đây, mặc dù các đơn vị đầu tiên đăng kí khai thác dịch vụ này đã bắt đầu từ những năm 2011- 2012. Việc Đà Lạt trở thành điểm đến “hot” trong mắt du khách đã tạo ra một làn sóng tìm kiếm các điểm du lịch mới lạ, độc đáo hơn nữa để thu hút du khách. Từ đó, những cư dân du lịch bụi lẫn các đơn vị du lịch đã góp phần phát hiện và đưa vào thai thác thêm các thắng cảnh đẹp, hoang dã: các thác nước, vách đá, rừng, hồ. Trong hai năm gần đây, có hàng loạt tour du lịch mạo hiểm hút khách tại Đà Lạt được đưa vào khai thác như leo vách đá trên đỉnh Lang Biang, chèo thuyền ca dắc trên hồ Tuyền Lâm, vượt thác Datanla bằng dây, đu dây băng rừng thông, đi bộ trên không… Các tour du lịch này rất được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, góp phần vào con số tăng trưởng du lịch liên tục của tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, đi kèm với tiềm năng, các tai nạn cũng liên tục xuất hiện. Điều này là do các dịch vụ tổ chức tour du lịch mạo hiểm “chui” mọc lên tràn lan. Hiện nay, Lâm Đồng chỉ có khoảng 10 đơn vị được tổ chức các trò du lịch mạo hiểm, thế nhưng, trên thực tế, có đến vài chục đơn vị lữ hành đang khai thác dịch vụ này. Đặc biệt, trên các website du lịch nước ngoài, có nhiều đơn vị không nằm trong danh sách được cấp phép vẫn ngang nhiên quảng bá dịch vụ, lôi kéo khách. 

Bên cạnh đó, vì quá nhiều đơn vị tham gia mảng dịch vụ này, để tăng cạnh tranh, nhiều đơn vị đã đưa ra những mức giá rất “phá giá”. Để bảo đảm vẫn có lợi nhuận, các đơn vị này đã có nhiều chiêu như giảm bớt hoặc cắt bỏ luôn phần thiết bị an toàn của du khách, bảo hiểm tai du lịch. Nhiều đơn vị còn dẫn du khách bằng rừng đi “chui”, không qua trạm bán vé tại các khu du lịch để tiết kiệm, hoặc tìm các khu vực chưa được phép khai thác để dẫn du khách đến.

Nhiều du khách không biết đơn vị nào là “chính danh”, đơn vị nào không, chỉ căn cứ vào quảng cáo trên mạng và mức giá cạnh tranh. Để đến khi có hậu quả xảy ra, du khách thiệt cả đơn lẫn kép: Vừa mất mạng, vừa không được bồi thường đúng mức. Đây cũng là bài học cảnh báo cho du khách khi lựa chọn đơn vị lữ hành để tham gia các tuyến du lịch có yếu tố mạo hiểm.

Đáng nói, những vụ tai nạn xảy ra chỉ là trên bề nổi, còn hoạt động mạnh mẽ của các đơn vị lữ hành “chui” và thiếu trách nhiệm này vẫn diễn ra hàng ngày, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa đưa vào khuôn khổ được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của du khách mà còn tạo nên những hình ảnh, thông tin xấu về du lịch Đà Lạt nói riêng và ngành Du lịch Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Tất cả giờ đây vẫn còn chờ vào sự “dẹp loạn” mạnh tay của các nhà quản lý ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng. 

Đọc thêm