Hiện Luật Hôn nhân & Gia đình chưa có quy định về hợp đồng hôn nhân, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định này để phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc khi vợ chồng muốn chia tài sản khi ly hôn…
Ảnh minh họa |
Ngại lập hợp đồng với… chồng chưa cưới
Chị Nguyễn Minh T. ở Đống Đa, Hà Nội vốn là một nữ doanh nhân thành đạt. Ở tuổi 40 chị đã có một gia tài kha khá để cuối đời không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc. Nhưng “ở đời trời không cho ai mọi thứ và lấy đi của ai tất cả”, chính vì khả năng kiếm tiền và quan hệ rộng của chị là nguyên nhân khiến anh chị chia tay.
5 năm sau, chị gặp một người đàn ông khác và có ý định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, chị muốn toàn bộ tài sản của chị dành cho người con trai đang du học ở nước ngoài. Vì thế chị tìm đến luật sư muốn họ giúp chị lập cái gọi là “hợp đồng hôn nhân”, trong đó ghi rõ số tài sản chị có trước hôn nhân là tài sản riêng của chị. Sau này nếu vợ chồng có “mệnh hệ” gì thì Tòa không cần phải xử mà đương nhiên số tài sản đó là của chị.
Thế nhưng, chị T lúng túng vì không biết việc này khi nói ra với chồng tương lai anh sẽ phản ứng thế nào, vì thông thường khi lập “hợp đồng hôn nhân” người ta sẽ nghĩ ngay đến chuyện vì không tin tưởng nhau hay không có ý thức xây dựng cuộc hôn nhân vững bền thì mới phải “chắc lép” như vậy.
Nhiều trường hợp như của chị T, trước khi kết hôn họ muốn lập văn bản về việc có tài sản riêng để tránh những tranh chấp phát sinh về tài sản khi vợ chồng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Tuy nhiên, ở Việt nam vấn đề này chưa có tiền lệ. Vì thế khi sửa đổi Luật Hôn nhân & Gia đình, nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định về hợp đồng hôn nhân.
Có tranh chấp, dễ xử
Hiện nay, Luật Hôn nhân & Gia đình cũng như các văn bản có liên quan chưa có quy định nào cho phép nam, nữ lập và ký kết hợp đồng hôn nhân. Trong trường hợp có tranh chấp, những hợp đồng này không được pháp luật công nhận và cũng không bị điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân & Gia đình. Nhưng không phải vì chưa có quy định mà vấn đề tài sản của vợ, chồng trước hôn nhân không được pháp luật bảo hộ.
Bởi lẽ, theo quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình: “Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân và đồ dùng, tư trang cá nhân”. Cũng theo điều luật này thì vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Vì thế, không nhất thiết phải quy định về hợp đồng hôn nhân trong Luật Hôn nhân & Gia đình.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, nên quy định về vấn đề này vì Luật hiện hành chỉ ghi nhận tài sản vợ chồng phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung nên chưa bao quát hết những phức tạp phát sinh trong đời sống.
Trên thực tế việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn là vấn đề hết sức phức tạp, nhiều trường hợp bế tắc, nhất là khi tài sản đó không đứng tên chồng mà chuyển hóa thành tên của hai vợ chồng hoặc của riêng người vợ.
Nếu có hợp đồng hôn nhân thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, khi có tranh chấp Tòa án cũng đỡ mất thời gian điều tra, xác minh, vợ/chồng cũng không mất công tìm chứng minh tài sản này, tài sản kia là của mình. Ý kiến này cho rằng, hợp đồng hôn nhân thực tế chỉ “luật hóa” những gì đã diễn ra trong thực tiễn đời sống. Nhưng nếu bổ sung, cần phải có quy định cụ thể, đặc biệt là về hình thức của hợp đồng như có cần chứng thực hay không, do cơ quan nào chứng thực…
Còn nhiều tranh cãi tuy nhiên việc có bổ sung quy định này hay không còn là vấn đề phải xem xét, cân nhắc cẩn trọng, nhất là đối với một lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” như hôn nhân gia đình. Ngoài vấn đề pháp lý còn là truyền thống đạo đức, văn hóa, phong tục tập quán... Một quy định chỉ thực sự phát huy trong đời sống nếu nó “cân bằng” được cả hai vấn đề này.
B.An