Nền kinh tế ảnh hưởng ra sao do dịch Corona?

(PLVN) - Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nếu dịch Corona được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%. Cả 2 kịch bản này đều thấp hơn so với mục tiêu 6,8% được Chính phủ và Quốc hội đề ra cho năm nay. Một gói hỗ trợ kinh tế cũng đã được Bộ này đặt ra…
Virus Corona làm điêu đứng ngành du lịch
Virus Corona làm điêu đứng ngành du lịch

Du lịch ảnh hưởng nhiều nhất

Là quốc gia láng giềng có quan hệ kinh tế - thương mại lớn với Trung Quốc, Việt Nam khó có thể thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ dịch Corona. Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi hàng năm lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. 

Theo TS Thành, các chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị ngừng trệ không chỉ gây tổn thương lớn cho ngành hàng không mà còn làm “tê liệt” lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. “Việc du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành du lịch cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia...”- chuyên gia này nhận định.

Theo tính toán Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng tăng trưởng quanh mức 6,5%, thấp hơn từ 0,2 - 0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục từ quý II/2020. Song với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, BVSC cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020. 

Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và kịch bản sẽ xảy ra trong khoảng 6-6,5%. Mức tăng trưởng thấp (khoảng 5-6%) sẽ là mối lo ngại.

Cũng theo tính toán của BVSC, ngành dịch vụ bị tác động nhiều nhất. Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.

2 hướng tác động vào nông nghiệp

Theo chuyên gia nông nghiệp, TS. Đặng Kim Sơn, vấn đề lo lắng nhất của nông sản của Việt Nam và người nông dân trong bối cảnh dịch Corona chính là thị trường khi Trung Quốc là thị trường gần nhất và lớn nhất của Việt Nam đang bị tác động trực diện từ Corona. Theo chuyên gia này, dịch cúm Corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng.

Thứ nhất là nguồn cầu. Dịch bệnh ở Trung Quốc khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực, thực phẩm và bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Như vậy, tác động về trái cây, rau có thể thấy ngay.

Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ khó bảo quản được.

Thứ hai, kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này. Chuyên gia này lưu ý, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn”.  

Chưa tính đến dịch Corona, ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp khi dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn…, hay như năm nay nông nghiệp đương đầu với hạn hán sông Mekông,…

“Dịch virus Corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm nay nay được...”- chuyên gia nhận định.

Tính toán phương án hỗ trợ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/2, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona “là rất nghiêm trọng”. Theo các số liệu tổng hợp và tính toán của Bộ KH&ĐT, nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%, nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%. Với các kịch bản này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Thứ trưởng Phương cũng cho biết, trong kiến nghị của Bộ KH&ĐT có 2 gói giải pháp để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch vì đây là thời điểm chúng ta cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch.

“Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ hai là giải pháp khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế…”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, các gói hỗ trợ cũng là phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và chúng ta hỗ trợ đối tượng nào…

Đồng tình cần có các gói hỗ trợ, song TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Chuyên gia này cho rằng hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác hoặc hỗ trợ kém hiệu quả.

“Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành…”- chuyên gia này phân tích. 

Đọc thêm