Tạo cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực
Dự thảo Luật trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2024 bao gồm 9 chương với 121 điều, trong đó có bổ sung 59 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo Luật đã tách các thủ tục hành chính phức tạp hiện nay thành các thủ tục hành chính riêng biệt, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó đạt mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, công khai, minh bạch và cắt giảm chi phí tuân thủ cho tổ chức tham gia hoạt động điện lực.
Thẩm tra dự án Luật, liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế, nhu cầu sử dụng điện lại cao, cần có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư ở những hoạt động không bắt buộc Nhà nước phải độc quyền. Việc quy định quá rộng các hoạt động mà Nhà nước độc quyền sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực nên cần rà soát lại quy định này.
Nghiên cứu việc phân cấp, phân loại truyền tải điện
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình với các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực ở Điều 5 của dự thảo Luật. Song, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật đã đưa ra chính sách xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý và thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác, sử dụng dịch vụ, cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh nhưng ở quy định về vận hành lưới điện truyền tải đang giữ lại phần độc quyền tương đối nhiều.
Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thị Thanh đề nghị nên nghiên cứu việc phân cấp, phân loại truyền tải điện để phát huy xã hội hóa trong đầu tư và thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. “Đầu tư thì xã hội hóa, nhưng quy định về truyền tải điện vẫn còn mở rất hạn hẹp. Đầu tư mà không có truyền tải thì không biết là đưa đi đâu nên phải rất hợp lý và phải đồng bộ, nếu xã hội hóa nhưng truyền tải lại vẫn đóng khung vào hạn hẹp thì sẽ không thể hiệu quả, không thể thực hiện được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định, kết nối với thị trường khu vực và thế giới.
Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để bảo đảm tính khả thi; xem xét kỹ các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thúc đẩy xã hội hóa, giảm đầu tư công...