Nên nhân rộng tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách thúc đẩy tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân trong phát triển nông thôn mới. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân, nhà khoa học trong cả nước …

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách thúc đẩy tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân trong phát triển nông thôn mới. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân, nhà khoa học trong cả nước …

Thực tế nền sản xuất nông nghiệp của nước ta manh mún, đơn lẻ, thiếu sự gắn kết giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất, nên chất lượng nông sản chưa cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch có giá trị thấp; lưu thông vận tải chưa thuận lợi; thương lái chi phối mạnh quan hệ nông dân – doanh nghiệp…

Yêu cầu đặt ra hiện nay là thúc đẩy liên kết bền vững giữa nông dân với các đối tác kinh tế khác; sự cần thiết xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế phù hợp thúc đẩy được sự gắn kết bền vững giữa các thành phần: nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học  - nhà nước - đối tác khác trong xã hội.

Một mắt xích quan trọng trong việc kết nối với người nông dân mà lâu nay chúng ta chưa khai thác tốt thậm chí bỏ quên đó là “đối tác khác” - tổ chức kinh tế tự nguyện, có thể là HTX, tổ hợp tác hay nhóm hội nông dân....

Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009, trong đó khuyến khích sự phát triển các tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân. Thực chất tổ chức kinh tế tự nguyện là tổ chức kinh tế do nông dân khởi xướng và thành lập, không có sự ép buộc kiểu định hướng hoặc thúc đẩy từ bên ngoài.

Tổ chức này có thể được đăng ký chứng thực của UBND xã hoặc cấp đơn giản chỉ là một tổ nhóm nông dân tự nguyện hợp tác với nhau. Với bản chất của các tổ chức kinh tế tự nguyện “đích thực của nông dân, do nông dân và vì nông dân”, là sự thoả thuận tự nguyện về việc sẽ làm, sẽ cùng nhau đóng góp, cùng hưởng và cùng chịu trách nhiệm.

Mấy năm gần đây, mô hình này đã tổ chức thành công ở một số địa phương, như: Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn - Hải Dương; HTX tự nguyện ở ấp Thốt Nốt, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; HTX ở Hoà Bình, HTX thảo quả ở Lào Cai… Đơn cử, Hiệp hội sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn - Hải Dương (sản xuất gạo), được thành lập từ năm 2008, đến nay đã có 363 thành viên với diện tích 23,4 ha trên địa bàn của 3 xã: An Phụ, Phạm Mệnh và Long Xuyên. Với mô hình rất hay gồm 4 tổ: tổ nhân giống; tổ khoa học kỹ thuật;  tổ kiểm tra chất lượng sản phẩm; và tổ tiêu thụ sản phẩm.

Hay mô hình khá thành công ở ấp Thốt Nốt, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, do anh Trần Văn Nhờ làm tổ trưởng. Tổ HTX tự nguyện sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Tổ được thành lập vào năm 2008, đến nay, đã có 32 tổ viên, trong đó có 22 hộ dân tộc Khmer nghèo, diện tích góp chung của tổ là 9,1 ha; hộ góp ít nhất là 0,1 ha, hộ góp nhiều nhất là 0,5 ha. Tổ đã ký hợp đồng với Công ty Sao Cao nguyên bao tiêu bắp ngô giá 13 nghìn đồng/kg, thu hoạch từ 4-5tấn/ha. Thu nhập của tổ viên khoảng 50 triệu đồng/ha…

Theo kinh nghiệm từ các tổ thành công nói trên, khó nhất, đó là sự đồng thuận của các tổ viên, gói gọn trong 3 tiêu chí “tự nguyện, cùng có lợi và dân chủ”. Tuy nhiên, để thống nhất được cũng chẳng dễ dàng gì, vì 9 người mười ý và ai cũng thích sản xuất và làm ăn theo kinh nghiệm của mình. 

“Do đó, để tìm ra mô hình mới, gọi là tổ chức kinh tế tự nguyện hay chính là HTX, tổ hợp tác tự nguyện song thực hiện cho được công bằng, minh bạch và dân chủ, để người nông dân trông thấy lợi ích họ sẽ tham gia. Mong muốn tìm ra mô hình hay để nhân rộng và các cơ chế, chính sách thuận lợi nhất cho người nông dân xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, hữu thực như Diễn đàn hôm nay” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng nói.

Mai Hoa

Đọc thêm