Nên trao quyền chủ động góp ý xây dựng văn bản cho xã hội

(PLO) - Hôm qua (15/12), Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một trong những Nghị định vào loại “đồ sộ” nhất với 203 điều nên thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu.
Thứ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại hội thảo
Quyết định tính khả thi của văn bản
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 đánh dấu thêm một bước tiến trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. 
Điểm dễ nhìn thấy nhất là Luật năm 2015 đã hợp nhất Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004; đơn giản thêm một số hình thức VBQPPL; tách quy trình xây dựng chính sách thành một quy trình tương đối độc lập, quá trình tham gia ý kiến vào xây dựng văn bản được công khai, dân chủ, chặt chẽ hơn…
Đối với Dự thảo Nghị định, theo Thứ trưởng Lê Thành Long, sẽ quy định chi tiết 7 nội dung mà Luật giao cho Chính phủ, từ ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản, dịch văn bản ra tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc thiểu số đến đăng Công báo, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản… 
Thứ trưởng nêu cụ thể một số vấn đề và đề nghị các ý kiến tập trung thảo luận. Chẳng hạn, về việc dịch văn bản ra tiếng nước ngoài thì sẽ dịch ra tiếng nước nào, ai là người chủ trì để đảm bảo chất lượng văn bản dịch; hay vấn đề đăng Công báo thì cơ quan nào chịu trách nhiệm để đảm bảo tính hệ thống hoặc vấn đề nguồn lực thì đầu tư như thế nào cho thỏa đáng…
Trên cơ sở gợi ý của Thứ trưởng Lê Thành Long, nhiều đại biểu tán thành những đổi mới trong quy định về việc lấy ý kiến với đề nghị xây dựng VBQPPL. Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh, tham vấn/lấy ý kiến trong các công đoạn lập pháp, lập quy là điều kiện không thể thiếu để có “chất liệu thực tiễn” cho nhà soạn thảo VBQPPL, có tính chất quyết định đối với tính khả thi của VBQPPL. 
Do vậy, theo ông Giao, cần có cách tiếp cận theo hướng trao quyền cho xã hội, đối tượng chịu tác động và doanh nghiệp, chủ động góp ý kiến và có cơ hội tham vấn với nhà soạn thảo, cơ quan thẩm định và kể cả cơ quan thẩm tra hồ sơ của dự án VBQPPL. 
Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược lại đề nghị quy định cụ thể hơn nội dung cần lấy ý kiến để tránh hình thức, không hiệu quả. Ngoài ra, bà Thược cho rằng không cần quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đưa ra lấy ý kiến đối với VBQPPL mà chỉ cần giao cho thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện.
Kinh phí cho dịch văn bản bị “bỏ quên”
Liên quan đến quy định dịch VBQPPL, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Võ Văn Tuyển cho biết, Dự thảo Nghị định quy định cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam dịch VBQPPL ra tiếng Anh. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định bản dịch VBQPPL ra tiếng Anh đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cơ bản nhất trí với quy định trên nhưng Tổng Biên tập Tạp chí Luật Việt Nam và diễn đàn pháp lý Nguyễn Minh băn khoăn, ngoài việc bắt buộc phải dịch các VBQPPL là luật, nghị quyết, pháp lệnh thì cơ quan nào sẽ quyết định việc chọn lựa các nghị định, quyết định, thông tư để dịch ra tiếng Anh. 
Tin tưởng Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định bản dịch song ông Minh vẫn đặt vấn đề, việc thẩm định sẽ thực hiện như thế nào khi có nhiều bản dịch dài, cần thẩm định trong cùng một thời gian, có cần thành lập Hội đồng thẩm định hay không…
Chia sẻ quan điểm của ông Minh về cơ quan có thẩm quyền quyết định dịch văn bản ra tiếng nước ngoài, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ủy ban Dân tộc) Phan Hồng Thủy đánh giá: Nếu bản dịch có giá trị tham khảo như Dự thảo Nghị định quy định thì Hội đồng thẩm định được thành lập chắc chỉ dừng ở việc hiệu đính. 
Ông Thủy phát hiện, quy định về việc dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số trong Dự thảo Nghị định còn sơ sài và đặc biệt “tìm mỏi mắt” cũng không thấy quy định về kinh phí chi cho dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số vốn đang là khó khăn lớn hiện nay. 

Đọc thêm