Sáng nay (15/12), Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Chống tham nhũng và dân quyền Hàn Quốc (ACRC) với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo phương pháp của Hàn Quốc.
Mới túm được “cá nhỏ”
Ông Ngô Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, biểu hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn.
Các lĩnh vực đã xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng và có nguy cơ, dễ xảy ra tham nhũng gồm: quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng…
Nhưng các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở (số vụ ở TƯ chiếm 0,3%, cấp tỉnh chiếm 13,1%, cấp huyện chiếm 22,5%, cấp xã chiếm 30,9%, các cơ quan, tổ chức khác chiếm 33,2%).
Ít phát hiện vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn (các vụ tham nhũng ít nghiêm trọng chiếm gần 60%, các vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chỉ chiếm khoảng 16%).
Tuy có nhiều nỗ lực song Việt Nam vẫn khó khăn trong PCTN do thực tiễn kiểm soát xung đột lợi ích chưa đạt hiệu quả cao, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của các đối tượng là chủ thể của hành vi tham nhũng.
Việt Nam đã có Thông tư số 04/2014/TT-TTCP quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN và kết quả công tác PCTN là thước đo đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị song “cơ chế theo dõi, đánh giá nỗ lực PCTN theo hệ thống, khu vực và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả” – ông Hùng thừa nhận.
Đánh giá để khuyến khích nỗ lực PCTN
Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về đánh giá công tác PCTN, ông Jung-Oh Son – Phó Giám đốc cao cấp Vụ Khảo sát và đánh giá về PCTN của ACRC cho biết, ở Hàn Quốc, các hành vi hối lộ, chiêu đãi, tặng quà, vòi vĩnh, tham ô, các hiện tượng “cò quay”… là tham nhũng và gây bất lợi cho xã hội cho dù xảy ra ở thời điểm nào và ở đâu.
Hàn Quốc tập trung xử lý tham nhũng từ việc chống tham những từ cấp lãnh đạo, điều tra và trừng phạt hành vi tham nhũng, đào tạo về chống tham những, phát triển thể chế để kiểm soát và cân bằng lợi ích cùng sự tham gia của xã hội.
Chính phủ Hàn Quốc nhận thức rằng “loại bỏ tham nhũng là điều kiện tiên quyết của một quốc gia phát triển nên cần tăng cường đánh giá các nỗ lực liên chính để hỗ trợ chính sách một cách thống nhất và có sự tiếp nối”. Sau 13 năm triển khai hệ thống đánh giá nỗ lực PCTN (AIA) đã “đem đến nhiều tác động tích cực trong công cuộc PCTN”
Hàn Quốc thực hiện AIA đối với các tổ chức được thành lập với mục đích công, sử dụng ngân sách do người dân đóng góp, các thành viên của tổ chức thường liên quan đến các vụ việc tham nhũng; những tổ chức được đánh giá là khó thực hiện những thay đổi bên trong nhằm chống tham nhũng và những tổ chức mà người dân cần sự liêm chính.
Theo Luật của ACRC, các cơ quan, tổ chức được đánh giá không ngừng tăng và đến năm 2015, 268 tổ chức, cơ quan khu vực công từ TƯ đến địa phương, văn phòng giáo dục và các tổ chức có liên quan đến khu vực công được đánh giá.
Thông qua AIA, Chính phủ sẽ nhận được phản hồi đối với các hoạt động PCTN, có thêm thông tin về thực trạng tham nhũng, cơ hội để xem xét lại các biện pháp PCTN hiện thời và phổ biến những hoạt động tốt trong PCTN.
AIA đánh giá sự đầy đủ và hiệu quả các hoạt động PCTN, khuyến khích và tăng cường nỗ lực của các tổ chức, xác định và thông tin về các mô hình thực tiễn tốt nhất.
Tuy nhiên, ông Jung-Oh Son nhấn mạnh, AIA quan trọng là có hệ chỉ số để đánh giá song AIA chỉ phát huy hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các cơ quan chịu sự đánh giá.
“AIA không phải là thuốc chữa bệnh nhưng có thể khuyến khích các nỗ lực PCTN trong các tổ chức công. Qua kinh nghiệm AIA của Hàn Quốc, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống đánh giá các nỗ lực PCTN có sáng tạo trong bối cảnh của Việt Nam thông qua việc nghiên cứu xã hội, tổ chức và con người” - ông Jung-Oh Son nói.