Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm
Năm 1945, ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Theo Bác, chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân phải là một trong những mục tiêu quan trọng của đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước.
Bởi vậy, Người nhấn mạnh “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân”. Bác luôn căn dặn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong hơn 30 năm đổi mới, thực tế cho thấy các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Từ những việc làm thiết thực đó đã tạo dựng được niềm tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, tạo thêm sức mạnh đại đoàn kết để đóng góp công sức và trí tuệ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Chăm lo đời sống Nhân cũng là tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân. Mới đây, trong thời điểm cả nước gồng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19, tại nhiều cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn về công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đi nhắc lại quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là luôn đặt sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu, quan trọng nhất.
Bởi thế, Chính phủ chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng luôn luôn yêu cầu không để bất cứ người dân nào bị “đứt bữa” do dịch bệnh; phải quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân.
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho hàng triệu người dân bị tổn thương bởi dịch bệnh trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước bộn bề khó khăn.
Hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả
Trước lúc về cõi vĩnh hằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc với nhiều dặn dò, trăn trở, trong đó Người nhắc đến “đầu tiên là công việc đối với con người”.
Đọc Di chúc, chúng ta thấy Người dành tình cảm yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp con người trong xã hội, từ các đối tượng thuộc gia đình chính sách, các thương binh, đến những đối tượng vốn là nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Người cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến người nông dân, dù “chịu đựng mọi khó khăn gian khổ” nhưng vẫn “hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ”, đã đóng góp nhiều về sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vì lẽ đó, Người đề nghị “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Đối với lực lượng Thanh niên xung phong, những chiến sĩ trẻ phải tìm việc cho họ, đào tạo họ có ngành có nghề; còn đối tượng mại dâm phải cải tạo họ trở thành những công dân tốt... Tất cả những vấn đề đó cho đến nay vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên mùa gặt năm 1954. Ảnh tư liệu |
Xuất phát từ tư tưởng nhân văn và sự nghiệp giải phóng con người, Bác luôn mong muốn tạo cho họ môi trường làm việc thuận lợi, có điều kiện sống hạnh phúc. Theo Người, “nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho Nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống đời hạnh phúc”. Vì vậy, trong hoàn cảnh đời sống vật chất còn rất nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm xây dựng đời sống văn hoá- tinh thần của Nhân dân.
“Nhiều lãnh tụ khác trên thế giới sau khi có được vị trí, nắm được quyền lực thì sẽ nghĩ đến câu chuyện thể hiện quyền lực hoặc bộc lộ những chính sách, hoặc thể hiện qua những chính sách mang tính đặc quyền đặc lợi của một bộ phận.
Nhưng với Hồ Chí Minh thì luôn hết lòng thương dân, tình thương yêu Nhân dân của Người có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống nhân ái ngàn đời của người Việt Nam. Ngay trong Tuyên ngôn độc lập, Người nói rằng con người có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, vì thế Đảng phải có trách nhiệm chăm lo” - PGS,TS Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Những tư tưởng lớn về Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc họa rõ nét về chân dung của một lãnh tụ vĩ đại. Một người ở đỉnh cao quyền lực nhưng không màng danh lợi, suốt đời chỉ phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; vì hạnh phúc, ấm no cho đồng bào của mình.
Đó cũng chính là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện tính tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vẫn đang tiếp tục thực hiện theo di nguyện của Người.