Chạy đúng tải, không đủ tiền làm”luật”?
Doanh nghiệp tư nhân C.P.CTN, có khoảng trên 20 xe kinh doanh chuyên chở container đóng tại Hải Phòng cho biết:” quá trình lái xe vận chuyển hàng hóa trên đường, đặc biệt những đoạn đường dài hàng trăm km, phải làm “luật” khi đi qua rất nhiều trạm kiểm soát của CSGT và TTGT các tỉnh khác nhau”
Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách cũng cho biết: "Nhiều tỉnh, xe quá tải đi qua phải “làm luật”, xe chạy nhiều phải “đóng luật tháng”. Khi chủ trương xử lý xe quá tải được tăng cường thì tiền làm luật của nhà xe lại càng phải nhiều hơn, thậm chí sinh ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe. Nhà xe nào có anh em, người nhà, quen biết làm bên CSGT, TTGT và “làm luật” được thì cứ mặc sức chạy. Xe nào không có “bảo kê” thì không dám chạy, vì nếu chạy đúng tải cước sẽ tăng thì chủ hàng không thuê, họ lại thuê các xe “có bảo kê” vẫn chạy quá tải được.”
Chủ trương xử lý xe quá tải làm tăng tiền mãi lộ? |
Anh H.C.Đ, lái xe thuê của một doanh nghiệp cho rằng: "Mình chạy xe chở vật liệu xây dựng, xe chỉ được phép chở 15 tấn, nhưng hầu như trọng tải hàng và xe lên đến hơn 40 tấn. Biết xe mình quá tải sẽ hỏng đường, nhưng nếu tôi không chở như vậy thì chủ xe cho tôi nghỉ và thuê người khác, nên tôi không thể làm khác. Mỗi chuyến xe qua các trạm CSGT phải “làm luật” là lẽ đương nhiên.”
Nếu chạy đúng tải, việc gì phải “mãi lộ”?
Tại hội nghị sơ kết 15 ngày triển khai kiểm soát trọng tải xe trên toàn quốc diễn ra sáng nay, ngày 17/4 trả lời câu hỏi phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam về vấn đề trên, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ công an cho rằng : "Việc đưa tiền “mãi lộ” cho CSGT cũng phải xuất phát từ hai phía. Từ trước tới nay, người ta thường nói nhiều về người nhận chứ không đề cập lên án đến người đưa “mãi lộ”, đề nghị nhân dân và cơ quan báo chí ngoài việc phát hiện hành vi nhận “mãi lộ” thông báo cho lãnh đạo cơ quan Công an chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, thì cũng nên lên án phê phán hành vi đưa “mãi lộ”. Việc này không riêng chỉ trong lĩnh vực xử lý xe quá khổ quá tải mà trong tất cả lĩnh vực khác”.
Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng trả lời về việc lực lượng Thanh tra Giao thông có dấu hiệu nhận"mãi lộ". |
Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng cũng thẳng thắn thừa nhận:” Vấn đề phóng viên phản ánh là đúng, nhận “mãi lộ” là có xảy ra nhưng ngược lại nếu không chở quá tải quá khổ thì việc gì phải “mãi lộ”? Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến đó và sẽ nghiêm minh xử lý, nghiêm túc đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng trên".
Tuy nhiên, bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng phải đặt ngược lại vấn đề ở chỗ không việc gì phải chở quá tải, nếu không chở quá tải, không vi phạm luật giao thông thì chẳng vô cớ lực lượng CSGT và TTGT không có lí do gì mà dừng xe xử phạt?Với tinh thần cầu thị, Bộ GTVT luôn tiếp thu và những tồn tại bất cập từ phía nhân dân và cơ quan báo chí, tuy nhiên rất mong sự phản ánh trung thực từ hai chiều nhằm chống tiêu cực trong lực lượng TTGT, phản ánh đúng vấn đề. Tôi xin hứa sẽ xử lý rất nghiêm với những trường hợp tiêu cực”.
Trao đổi với PLVN, ông Thân Văn Thanh, phó chủ tịch hiệp hội vân tải Việt Nam cho rằng việc xử lý xe quá tải phải giữ được thường xuyên 24/7. Phát hiện xe quá tải thì phải kiên quyết hạ tải rồi mới cho đi, chứ không phải xử phạt xong rồi cho xe qua mà không hạ tải.Ông kiến nghị thêm việc ngăn chặn xe quá tải phải làm ngay từ bến bãi, kho tàng.
Về chất lượng cân, đại diện công ty Hanel, đơn vị chỉ định thầu cung cấp cân và các thiết bị cho biết: Cân và một số thiết bị được nhập từ Nhật Bản, Hàn quốc, Canada, Hungari..đều đạt tiêu chuẩn đã được Tổng cục Đo lường chất lượng việt Nam phê duyệt và kiểm định. Giải trình việc một số trạm cân hỏng vừa qua, đại diện công ty Hanel cho rằng nguyên nhân do trời mưa, điều kiện thực tế mặt đường không bằng phẳng, lồi lõm, không phù hợp với cân nên dẫn đến việc cân bị hỏng một số thiết bị, dẫn đến việc cân không chính xác.