Thủ khoa “gọi tên” Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn…
Năm nay, điểm chuẩn các trường ĐH top đầu đều giảm rất sâu từ 3 - 9 điểm. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường không lo lắng về chất lượng đầu vào giảm, bởi đề thi THPT Quốc gia năm 2018 khó hơn nhiều so với những năm trước. Thứ hai, Bộ GD&ĐT điều chỉnh cộng điểm ưu tiên giảm 50% nên điểm chuẩn cũng thấp đi.
Tuy nhiên, năm nay, số thí sinh áp đảo vào các trường đứng đầu về điểm cao, đặc thù như Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân… thuộc về một số tỉnh miền núi phía Bắc. Đơn cử, năm 2018, Học viện An ninh Nhân dân có 220 chỉ tiêu, trong khi có gần 4.000 thí sinh đăng ký xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Kết quả tuyển sinh cho thấy, có 6 thí sinh đạt điểm cao ở các khối thi thuộc tỉnh miền núi phía Bắc (đã cộng điểm ưu tiên) tập trung ở Hoà Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn.
Cụ thể, có tất cả 47 thí sinh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La đỗ Học viện An ninh Nhân dân. Trong đó, 23 thí sinh đến từ Lạng Sơn, chiếm 10,5%. Số lượng này của Hòa Bình là 14 và Sơn La 10 em. Xếp sau Lạng Sơn, Hà Tĩnh đứng thứ hai với 15 thí sinh trúng tuyển, chiếm 6,7 %. Thứ ba là Hòa Bình và Cao Bằng, mỗi tỉnh 14 thí sinh, chiếm 6,4%. Sơn La và Bắc Kạn mỗi tỉnh có 10 em đủ điểm đỗ, chiếm 4,5%.
Trong đó, ba thí sinh ở Hòa Bình tổng điểm lần lượt là 29,25; 28,7 (xét tuyển tổ hợp C03) và 28,35 (xét tuyển tổ hợp D01), 2 thí sinh ở Lạng Sơn có tổng điểm 31,25 (xét tuyển tổ hợp A01) và 30,05 (tổ hợp D010). Và thí sinh có điểm cao nhất dự thi ở Lạng Sơn với 28,5 điểm (tổ hợp A01), cao thứ nhì là Hòa Bình với 27,95 điểm.
Đặc biệt, Hà Giang, địa phương đầu tiên phát hiện gian lận điểm thi và đã trả lại điểm thực cho thí sinh, không có em nào trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân (năm trước, số thí sinh tỉnh này đậu vào trường là 8)…
Và năm nay, một số địa phương “đất học”, có tỷ lệ đỗ cao hàng năm thì năm nay có tỷ lệ trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân thấp. Đơn cử, Hà Nội có 7 thí sinh, Thanh Hóa 6 thí sinh, Nghệ An 5 thí sinh.
Mong sớm minh bạch
Liên quan đến sai phạm chấm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La, Hòa Bình, hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, khác với Hà Giang đã có kết quả khá nhanh do cán bộ của Phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Giang chỉ sửa điểm trên máy tính, khi quét lại bài thi gốc đã cho điểm thật của thí sinh. Tại Sơn La, Hòa Bình do chỉnh sửa trực tiếp trên bài thi nên cần nhiều thời gian để rà soát, cho đến nay vẫn chưa có kết quả bao nhiêu bài thi trắc nghiệm cần chấm lại và chấm lại ra sao.
Lãnh đạo một số trường đại học cho biết, hiện tại công tác tuyển sinh vẫn diễn ra bình thường. Các trường mong sớm nhận được kết quả rà soát điểm thi ở một số địa phương, nhất là các địa phương phát hiện ra tiêu cực nâng điểm thi, một số cán bộ liên quan đã bị khởi tố, bắt tạm giam, bởi theo lịch tuyển sinh các trường vẫn phải tiếp nhận thí sinh trúng tuyển, trường hợp phát hiện thí sinh gian lận điểm thi thì thí sinh sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Quy chế thi, trong trường hợp cao nhất là bị buộc thôi học, ngay cả khi đã trúng tuyển và nhập học tại các trường đại học. Tuy nhiên, sẽ rất mất thời gian, công sức của nhà trường, nếu như phát hiện muộn, không kịp gọi bổ sung thí sinh.
Về vấn đề này, trả lời báo chí, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, nhiều thí sinh đỗ trúng tuyển vào các trường công an, quân đội chiếm phần lớn các địa phương có xảy bất thường trong chấm thi như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn là số liệu chính xác. Chúng ta đừng đặt vấn đề tất cả thí sinh đỗ vào các trường quân đội, công an đều là những thí sinh trúng tuyển vào các trường trên là những người thuộc diện có những sai phạm về điểm thi. Quy chụp như vậy sẽ làm tổn thương đến các em.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an các cơ quan chức năng đang trong quá trình xử lý những gian lận thi cử ở một số địa phương có điểm thi bất thường. Do vậy, những kết quả thẩm tra đã công bố thì tạm thời Bộ GD&ĐT vẫn công nhận kết quả của các em. Tuy nhiên, khi nào điều tra rõ ràng sự việc, nếu Bộ phát hiện thí sinh nào có kết quả không đúng thì sẽ dựa trên quy chế để xử lý, thậm chí xử lý ở mức độ cao nhất là đuổi học.
Đề cập đến việc rà soát lại điểm thi thủ khoa ở khối các trường công an, quân đội nếu có trường đề xuất, ông Mai Văn Trinh khẳng định: Việc tuyển sinh trên tinh thần tự chủ của các trường ĐH, Học viện và việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh là do các trường có trách nhiệm thực hiện. Trong trường hợp trường nào có đề xuất việc rà soát kết quả thi và nguồn tuyển sinh đầu vào, căn cứ vào điều kiện cụ thể, trong trường hợp cho phép, thẩm quyền, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ các trường.
Vấn đề kiểm soát chất lượng thí sinh, ông Mai Văn Trinh cho rằng, giải pháp căn cơ nhất vẫn là việc các trường phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt quá trình học tập, sàng lọc của thí sinh một cách khách quan, chính xác và đáp ứng được chất lượng.