Hôm 1/4, Nga cho biết họ sẽ không cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi Moscow đưa ra thời hạn cuối cùng cho các khoản thanh toán phải được thực hiện bằng đồng tiền của Nga, đồng rúp.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trước 1/4, người mua khí đốt nước ngoài cần mở tài khoản bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank do nhà nước kiểm soát để thanh toán. "Tuy nhiên, các khoản thanh toán khi giao hàng đến hạn sau ngày 1/4 sẽ đến vào nửa cuối tháng này và tháng 5", ông nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31/3 đã ký một sắc lệnh quy định rằng người mua phải thanh toán bằng đồng rúp, điều mà Moscow đã tuyên bố sẽ thực hiện để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Moscow đã tìm cách tận dụng vị thế là một nhà xuất khẩu năng lượng trong nỗ lực chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xung đột tại Ukraine. Các nước Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng nhưng chỉ dừng lại ở lệnh cấm vận năng lượng do họ phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
"Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ từ phía người mua", ông Putin nói. Nga sau đó sẽ tạm dừng các hợp đồng hiện có.
"Họ phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga. Chính từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện cho khí đốt được giao bắt đầu từ 1/4", ông Putin cho biết.
Trước đó, nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng các nước "không thân thiện", bao gồm cả những nước tạo nên Liên minh châu Âu, sẽ phải trả tiền nhập khẩu khí đốt bằng đồng rúp.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga Nikolai Kobrinets nói với hãng thông tấn nhà nước RIA, "Các hành động của EU sẽ không phải là không có câu trả lời ... các biện pháp trừng phạt vô trách nhiệm của Brussels đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của người dân châu Âu bình thường".
Gazprom cho biết, xuất khẩu khí đốt của Nga sẽ tiếp tục tuân theo các quy định của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng, từ 1/4, Công ty đã bắt đầu thông báo cho khách hàng về việc yêu cầu chuyển đổi tiền tệ thanh toán cuối sang đồng rúp.
Trước tuyên bố này của Nga, Đức khẳng định sẽ thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la theo quy định trong các hợp đồng hiện có và gọi việc Moscow yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp là "hành động tống tiền". Trước khi Nga xung đột với Ukraine, Đức đã nhập khẩu 55% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp cho biết Berlin và Paris đang chuẩn bị cho kịch bản "Nga tắt vòi khí đốt".
Đầu tháng 3, Liên minh châu Âu đã đưa ra đề xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm nguồn cung tăng từ Hoa Kỳ và Qatar và bằng cách mở rộng năng lượng sạch.
Hôm 31/3, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ xăng dầu của quốc gia trong vòng sáu tháng với mục đích chống lại sự gia tăng giá khí đốt toàn cầu.