Ngoài ra, tuần dương hạm tên lửa Moskva và hệ thống phòng không S-400 cũng sẽ yểm trợ các máy bay khi cần thiết.
Quyết định khó khăn
Hãng Tass chiều ngày 25/11 dẫn lời chỉ huy Cơ quan chiến dịch Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, Trung tướng Sergey Rudskoy, cho biết, sau sự cố đối với chiếc Su-24 của không quân Nga, Nga sẽ hủy diệt tất cả các mục tiêu đe dọa tới an toàn của phi công và máy bay Nga đang thực hiện sứ mệnh chống khủng bố ở khu vực.
Theo Trung tướng Sergey Rudskoy, Bộ Quốc phòng đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định trên.
“Trước tiên, tất cả các hành động của máy bay tấn công ở Syria sẽ chỉ được tiến hành dưới sự hỗ trợ của các cường kích hộ tống.
Thứ hai, các biện pháp mang tính chất phòng thủ cũng sẽ ngay lập tức được áp dụng tại Syria.
Theo đó, tuần dương hạm Moskva được trang bị hệ thống phòng không Fort, cũng như hệ thống phòng không S-400 sẽ được thiết lập ở khu vực ven biển Latakia để hỗ trợ chiến dịch khi cần thiết”, chỉ huy Cơ quan chiến dịch Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga nói.
Trung tướng Sergey Rudskoy cũng nhấn mạnh, tất cả các mục tiêu mà có thể đe dọa đối với Nga sẽ bị hủy diệt ngay lập tức.
Trong một diễn biến khác, tờ Kommersant cũng trong ngày 25/11 dẫn nguồn tin cấp cao trong chính quyền Liên bang Nga, cho biết quyết định cứng rắn của điện Kremlin đối với Thổ Nhĩ Kỳ tương thích với cảnh báo của Tổng thống NgaVladimir Putin ngày 24/11, rằng hành động bắn hạ máy bay Nga của Ankara sẽ có những tác động nghiêm trọng đến mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Putin đã sẵn sàng ký sắc lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24/11. |
Điện Kremlin còn cho biết, Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom của Nga sẽ có những đánh giá có nên tiếp tục dự án đường ống dẫn khí qua Thổ Nhĩ Kỳ trị giá nhiều tỷ USD hay không.
Ngoài ra, một trong những thỏa thuận năng lượng lớn nhất giữa hai nước là việc Tập đoàn Rosatom xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem xét.
Trước đó, chính quyền Ankara cũng đưa ra cảnh báo, nếu Moscow áp dụng các biện pháp trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể hạn chế sự di chuyển của tàu Nga qua eo biển Bosphorus và Dardanelles, những tuyến hàng hải quan trọng giúp Nga duy trì hoạt động quân sự ở căn cứ không quân Hmeymim ở Syria.
Tuy nhiên, theo Công ước Montreux năm 1936, việc hạn chế tàu thuyền đi qua eo biển trên chỉ có thể được thực hiện nếu Ankara bị đe dọa bởi chiến tranh.
Triển khai hệ thống S-400 tối tân
Hãng Lenta ngày 24/11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cho biết, Nga sẽ sớm triển khai hệ thống S-400 tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria, nơi các lực lượng không quân Nga đang đồn trú để thực hiện chiến dịch không kích chống khủng bố theo yêu cầu của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad.
Đây được xem là một trong những động thái mới nhất của Nga sau sự cố chiếc máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Quyết định của Nga liên quan tới việc triển khai hệ thống S-400 ở Syria được nhận định sẽ gây ra những phản ứng từ chính quyền Ankara và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những ngày tới.
Trong tuyên bố chính thức vào hôm qua 25/11, Tổng thống NgaVladimir Putin cho biết sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để đảm bảo sự an toàn cho lực lượng không quân quân sự Nga tại Syria.
Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh rằng Moscow sẽ phản ứng với sự cố máy bay Su-24 bị bắn hạ “một cách nghiêm trọng nhất”.
“Các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động quân sự của chúng ta tại Syria hiện nay là không đủ. Tôi đã thảo luận vấn đề này vào buổi sáng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Trước mắt, chúng tôi sẽ triển khai hệ thống phòng không S-400 ở căn cứ không quân Syria.
Tôi hy vọng, các biện pháp khác cũng sẽ nhanh chóng được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả các chuyến bay của không quân Nga tại Syria”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
“Tôi cũng muốn nói rằng, chúng ta chắc chắn sẽ hành xử một cách nghiêm túc với những gì đã xảy ra, và chúng ta sẽ huy động mọi nguồn lực để đảm bảo điều đó”, người đứng đầu nước Nga khẳng định.
Tổ hợp tên lửa S-400 Triumf do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey, Nga, phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
Hệ thống này được biên chế từ tháng 4/2007 và lần đầu triển khai trên thực địa 4 tháng sau đó.
Nga đã quyết định đưa hệ thống phòng không S-400 tới Syria giữa lúc quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau sự cố Su-24. Ảnh: Kommersant
Hệ thống có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không, bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
S-400 có khả năng theo dõi 300 mục tiêu và cùng lúc bắn hạ 36 mục tiêu trong đó. Đặc biệt, S-400 đủ sức hạ gục những tên lửa chiến lược có tầm bắn tới 3.500 km, gấp gần 4 lần hệ thống Patriot của Mỹ.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực chất S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể hạ mục tiêu như chiến đấu cơ ở độ cao 27 km hoặc các mục tiêu tầm thấp, cách mặt đất chỉ từ 5 - 10 m. Đây là đặc điểm mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất kỳ quốc gia nào làm được.
S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy - điều khiển. Nó có thể khai hỏa 5 loại tên lửa để tạo nên cơ chế phòng thủ phân lớp.
Nga đã quyết định đưa hệ thống phòng không S-400 tới Syria giữa lúc quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng sau sự cố Su-24. Ảnh: Kommersant |