Nga -NATO "giằng co" về triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nga cho biết họ có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu để đáp lại những gì họ coi là kế hoạch của NATO sẽ làm tương tự.
Một bệ phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M di chuyển trong quá trình di chuyển từ bãi tập Alabino tới Moscow, thuộc vùng Moscow, Nga. Ảnh: Sputnik
Một bệ phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M di chuyển trong quá trình di chuyển từ bãi tập Alabino tới Moscow, thuộc vùng Moscow, Nga. Ảnh: Sputnik

Cảnh báo từ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã làm gia tăng nguy cơ về một đợt xây dựng vũ khí mới trên lục địa này, với căng thẳng Đông-Tây đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc ba thập kỷ trước.

Ông Ryabkov cho biết Nga sẽ buộc phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia lệnh cấm các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu - một phần của gói bảo đảm an ninh mà nước này đang tìm kiếm như một cái giá để xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nói với hãng thông tấn RIA của Nga, ông Ryabkov nhấn mạnh, việc thiếu tiến bộ đối với một giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ khiến Nga phản ứng theo cách quân sự. "Đó là, đó sẽ là một cuộc đối đầu, đây sẽ là vòng tiếp theo," ông nói, đề cập đến khả năng triển khai tên lửa của Nga.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov.

Vũ khí hạt nhân tầm trung - những vũ khí có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km (310 đến 3.400 dặm) - đã bị cấm ở châu Âu theo Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) năm 1987 giữa nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan để xoa dịu căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. Đến năm 1991, hai bên đã phá hủy gần 2.700 vũ khí hạt nhân tầm trung.

Washington đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2019 sau khi phàn nàn nhiều năm về những vi phạm bị cáo buộc xoay quanh việc Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất mà Moscow gọi là 9M729 và NATO gọi là "Tua vít". Tuy nhiên, Moscow vẫn khẳng định rằng các loại vũ khí này đã được tạo ra "tuân thủ hoàn toàn" hiệp ước và có thể bay tới 480 km.

Theo Gerhard Mangott, chuyên gia về chính sách đối ngoại và kiểm soát vũ khí của Nga thuộc Đại học Innsbruck ở Áo, nếu NATO nói đúng rằng Nga đã triển khai hệ thống này ở khu vực châu Âu phía tây dãy Ural, thì mối đe dọa của ông Ryabkov là một sự trống rỗng.

Nhưng nếu những lời phủ nhận của Nga là đúng, thì lời cảnh báo của Moscow là "tín hiệu cuối cùng cho NATO rằng họ nên đàm phán với Nga về thỏa thuận đóng băng" liên quan đến vũ khí hạt nhân tầm trung.

Ông nói thêm: "Nếu NATO kiên định với quan điểm không đàm phán về thỏa thuận đó, thì chúng tôi chắc chắn sẽ thấy Nga triển khai tên lửa Screwdriver ở biên giới phía tây của mình".

Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động 9K720 Iskander của quân đội Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động 9K720 Iskander của quân đội Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, những ngày gần đây đã nổi lên như một trong những sứ giả quan trọng của Moscow khi Tổng thống Vladimir Putin thúc giục các đảm bảo an ninh của phương Tây trong khi đối mặt với những cảnh báo từ Hoa Kỳ và các đồng minh để tránh một cuộc xâm lược có thể xảy ra vào Ukraine - điều mà Nga luôn phủ nhận.

Ông Ryabkov cho biết có "dấu hiệu gián tiếp" cho thấy NATO đang tiến gần hơn đến việc tái triển khai các tên lửa tầm trung, bao gồm cả việc khôi phục Bộ Tư lệnh Pháo binh 56 vào tháng trước, nơi vận hành các tên lửa Pershing có khả năng hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh.

NATO cho biết sẽ không có tên lửa mới của Mỹ ở châu Âu và họ sẵn sàng ngăn chặn các tên lửa mới của Nga bằng một phản ứng "được đo lường" chỉ liên quan đến vũ khí thông thường. Tuy nhiên, ông Ryabkov nói rằng Nga "hoàn toàn thiếu tin tưởng" vào liên minh.

"Họ không cho phép mình làm bất cứ điều gì có thể tăng cường an ninh của chúng tôi bằng cách nào đó - họ tin rằng họ có thể hành động khi họ cần, có lợi cho họ, và chúng tôi chỉ đơn giản là phải nuốt tất cả những điều này và giải quyết. Chuyện này sẽ không tiếp tục", Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Pháp tại Paris ngày 10/12/2021. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Pháp tại Paris ngày 10/12/2021. Ảnh: Reuters

Trước đó, NATO đã bác bỏ lời kêu gọi của Nga về lệnh cấm triển khai các tên lửa tầm trung có khả năng mang hạt nhân ở châu Âu, đồng thời quy trách nhiệm cho Moscow vi phạm hiệp ước INF đã bị Mỹ loại bỏ.

Trả lời đề nghị của Nga về việc tạm hoãn triển khai các tên lửa như vậy ở châu Âu hôm thứ Ba, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi ý tưởng này là “không đáng tin cậy” và lặp lại cáo buộc của khối rằng Moscow đã vi phạm hiệp ước nay đã không còn hiệu lực bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa bị cấm trong phạm vi của khối, yêu cầu Nga tháo dỡ chúng trước khi đề nghị đàm phán tạm hoãn.

Vì vậy, "trừ khi Nga phá hủy tất cả các tên lửa SSC-8 của họ một cách có thể kiểm chứng được, vốn là những tên lửa vi phạm hiệp ước INF, thì thật không đáng tin khi giờ đây họ đề xuất lệnh cấm đối với thứ mà họ thực sự đã bắt đầu triển khai", Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Nga cũng tuyên bố rằng Mỹ đã vi phạm bản thân hiệp ước nay đã không còn hiệu lực, chỉ ra các hệ thống Mk-41 Aegis Ashore, được triển khai ở châu Âu. Trong khi Washington mô tả các hệ thống này chỉ là một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa của mình, Nga đã nhiều lần chỉ ra rằng Mk-41 có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình như Tomahawk.

Trong những tuần gần đây, Nga đã kêu gọi thành lập một thỏa thuận an ninh toàn diện, trong đó có các hạn chế đối với việc triển khai tên lửa. Moscow cũng ra hiệu rằng họ không tin tưởng vào những lời hứa của NATO về việc không triển khai các tên lửa như vậy nên nhấn mạnh rằng những đảm bảo đó phải có hình thức ràng buộc về mặt pháp lý.

Đọc thêm