Nga sẵn sàng cho cựu Giám đốc FBI tị nạn chính trị

(PLO) - Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách giám sát cuộc điều tra về cái gọi là "Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ" năm 2016, đã mở một hướng điều tra mới: liệu Tổng thống Donald Trump hay ai đó khác có ý định cản trở công lý...
Cựu Giám đốc FBI James Comey (Ảnh: Reuters)
Cựu Giám đốc FBI James Comey (Ảnh: Reuters)

Trong phiên điều trần trước quốc hội, cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey tuyên bố, nguyên nhân quyết định sa thải của Tổng thống Trump là nhằm ngăn cản cuộc điều tra liên quan các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. 

Theo The Washington Post, cuộc điều tra theo hướng mới này sẽ cho phép các điều tra viên thẩm vấn nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền mới, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và có thể cả Tổng thống Trump.  

Hiện đã có một số quan chức đồng ý thẩm vấn, như Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Dan Coats, Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Mike Rogers và cựu Phó Giám đốc NSA Richard Ledgett. Mặt khác, việc mở ra hướng điều tra mới này sẽ khiến ông Trump khó có thể sa thải công tố viên Muller.

Hiện ông Muller đang điều tra khả năng ai đó trong đội ngũ tranh cử của ông Trump, hoặc có liên hệ với tổng thống hoặc với bất cứ công ty nào của ông, đã có những thỏa thuận ngầm với giới chức Nga hoặc những người khác có quan hệ với Điện Kremlin. 

Dù tổng thống đương nhiệm ít khả năng bị truy tố, song nếu có bằng chứng cho thấy ông đã cản trở công lý thì ông có thể đối mặt với một cuộc luận tội. Tất nhiên bước đi này sẽ phải được Hạ viện thông qua trong khi cơ quan này hiện do những người Cộng hòa của Tổng thống Trump kiểm soát.

Tổng thống Trump đã lên tiếng cáo buộc thông tin cho rằng ông cản trở công lý là "giả tạo", trong khi luật sư riêng cho biết thông tin này là "hết sức lố bịch".

Trong một diễn biến liên quan, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thuê một luật sư riêng để giúp xử lý các câu hỏi của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách giám sát cuộc điều tra về cái gọi là "Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ" năm 2016.

Theo đó ngày 15/6, ông Pence đã thuê Giám đốc Công ty luật McGuire Woods là Richard Cullen, một luật sư nổi tiếng với các vụ bào chữa cho các quan chức chính phủ trong hàng loạt cuộc điều tra quy mô lớn. Ông Cullen là một cựu công tố liên bang Mỹ và có quan hệ lâu năm với cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey, người đã bị Tổng thống Donald Trump sa thải hôm 9/5.

Luật sư Cullen hiện đang đại diện cho cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter trong vụ điều tra tham nhũng tại liên đoàn. Ông cũng từng làm "thầy cãi" trong các vụ điều tra điển hình như Iran-Contra, Watergate và kiểm phiếu lại  ở bang Florida trong cuộc bầu cử năm 2000.

Việc Phó Tổng thống Pence thuê luật sư riêng diễn ra 1 tháng sau khi Tổng thống Trump thuê luật sư Marc Kasowitz để chuẩn bị cho cuộc điều tra này. Các động thái trên là dấu hiệu cho thấy cuộc điều tra đang bước sang một giai đoạn mới. 

Trong một phản ứng mới nhất, ngày 15/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông Comey không đưa ra được bằng chứng nào để chứng tỏ Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Đề cập tới việc Tổng thống Trump chỉ trích ông Comey, nhà lãnh đạo Nga cho rằng "thật kỳ lạ" khi một cựu giám đốc FBI lại rò rỉ thông tin chi tiết về các cuộc nói chuyện với tổng thống Mỹ cho truyền thông qua một người bạn.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng cung cấp nơi cư trú cho ông Comey nếu Mỹ mở cuộc điều tra ông này liên quan đến việc chuyển tài liệu về các cuộc trò chuyện với tổng thống Mỹ. Theo ông Putin, cựu giám đốc FBI giống với cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người tị nạn chính trị tại Nga từ năm 2013 đến nay. Do đó, nếu xuất hiện sự truy tố nào đó chống lại ông Comey, Nga sẵn sàng cho phép ông này tị nạn chính trị./. 

Đọc thêm