Hãng tin TASS dẫn thông báo từ văn phòng báo chí của Nhà máy đóng tàu thống nhất cho biết, lễ hạ thủy sẽ diễn ra vào ngày 1/7 tới.
“Con tàu mới sẽ trở thành một đơn vị tác chiến mới của Hạm đội Thái Bình Dương”, văn phòng báo chí của nhà máy của Nga cho hay.
Tàu hộ tống mới nói trên sẽ là tàu chiến thứ 3 thuộc Dự án 20385 và là tàu thứ 9 trong loạt tàu chiến mặt nước đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Amur theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.
Văn phòng báo chí cho biết Nhà máy đóng tàu đã khởi công xây dựng con tàu mới vào năm ngoái.
Các tàu được đóng theo các dự án 20380/20385 là một loạt các tàu hộ tống đa năng mặt được phát triển cho Hải quân Nga.
Chúng được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Uran hoặc Kalibr-NK (tùy thuộc vào biến thể của con tàu), hệ thống tên lửa phòng không Kortik-M hoặc Redut, hai khẩu pháo 30mm AK-630M, một hệ thống pháo 100mm A-190, hai Bệ súng máy 14,5mm và hai súng phóng lựu DP-64.
Chúng cũng được trang bị hai ống phóng ngư lôi 330mm Paket làm vũ khí tác chiến chống tàu ngầm và chống ngư lôi và có thể mang theo một máy bay trực thăng Ka-27.
Trong đó, những tàu được đóng theo dự án 20385 có lượng giãn nước 2.200 tấn, có tầm hoạt động 3.500 dặm và có thể ở trên biển suốt 15 ngày.
Theo giới chức Nga, tên lửa hành trình Kalibr có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa.
Trong quá trình hoạt động, tên lửa này liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện. Ở giai đoạn bay cuối, nhờ tầng tăng tốc bổ sung, tên lửa này có thể bay ở tốc độ đến 2,7-2,9M, tức hơn gần 3 lần vận tốc âm thanh.
Được cho là ưu việt hơn nhiều so với Tomahawk của Mỹ, sự xuất hiện của các tên lửa hành trình Kalibr của Nga được đánh giá là đã tước bỏ sự độc quyền của Mỹ về “chính sách pháo hạm tên lửa”. Ngoài tên lửa Kalibr, các tàu thuộc dự án 22350 của Nga còn được trang bị hệ thống tên lửa Oniks và hệ thống chống hạm Poliment-Redut.