Theo AFP, Mỹ và Nga từ lâu đã cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước INF có từ năm 1987 và cả hai bên trong nhiều tháng qua đã lên kế hoạch rút khỏi hiệp ước này.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ việc tham gia của Nga đối với hiệp ước hạn chế việc sử dụng tên lửa tầm trung này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận.
Ngoài việc cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, Mỹ cũng cho rằng hiệp ước này ràng buộc các nước Mỹ và Nga trong khi trao cho các nước khác - chủ yếu là Trung Quốc - tự do phát triển vũ khí.
“Đến nay, hiệp ước đã kết thúc, chúng ta sẽ thấy sự phát triển và triển khai các vũ khí mới. Nga đã sẵn sàng”, nhà phân tích quân sự Pavel Felgenhauer nhận định.
Theo AFP, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu tiên thảo luận về vũ khí mới với các sĩ quan cấp cao của Nga vào cuối năm ngoái và ông đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc này vào tháng 2 vừa qua.
Ngoài việc chế tạo một tên lửa đất đối không tầm trung, Moscow cũng đang có kế hoạch phát triển một phiên bản trên mặt đất của tên lửa Kalibr đã được hải quân Nga thử nghiệm thành công ở Syria.
Các chuyên gia lo ngại những động thái triển khai vũ khí mới của các bên có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov trong buổi thông tin với các tùy viên quân sự các nước tại Nga tuyên bố Nga có quyền đáp trả các việc thiết kế, sản xuất và bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
“Tuy nhiên, chúng tôi không có kế hoạch trở thành bên đầu tiên triển khai những vũ khí tối tân tại các khu vực, trong đó châu Âu, nếu các nơi đó không có hệ thống tương tự của Mỹ”, hãng tin TASS khi đó dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga nêu rõ.
Ông Shamanov cũng cho rằng sự sụp đổ của Hiệp ước INF có thể kéo theo nguy cơ Chiến tranh Lạnh trở lại châu Âu.