Nga tiết lộ về siêu tên lửa 'xé nát mọi hệ thống phòng thủ'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các hệ thống tên lửa với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hạng nặng RS-28 Sarmat sẽ trở thành trụ cột của lực lượng tên lửa hạng nặng phóng từ hầm phóng của Nga trong những năm tới.
Tên lửa của Nga.
Tên lửa của Nga.

Theo hãng tin TASS, đây là khẳng định của Đại tướng Sergey Karakayev, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.

Tướng Sergey Karakayev cho hay, hiện nay, các nghiên cứu đang được thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp quân sự Nga theo chương trình vũ khí nhà nước nhằm tăng cường tiềm năng chiến đấu của các hệ thống tên lửa tối tân và cung cấp khả năng răn đe chiến lược một cách đáng tin cậy.

“Một trong những kết quả của công việc này là hệ thống tên lửa Sarmat sẽ trở thành trụ cột cho lực lượng tên lửa hạng nặng phóng từ hầm phóng trong những năm tới, cũng như các hệ thống tên lửa Avangard và Yars hiện đang được trang bị cho quân đội”, vị chỉ huy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Karakayev cũng cho rằng, trong điều kiện hiện tại, việc tạo ra hệ thống tên lửa sẽ giúp củng cố an ninh chiến lược của Nga.

“Đối với Lực lượng Tên lửa Chiến lược, điều này có nghĩa là chúng tôi đã sẵn sàng cho công việc tái vũ trang và vận hành các loại vũ khí mới sắp được chuyển đến cho quân đội”, ông Karakayev nói thêm.

Theo Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tên Sarmat vượt trội so với tên lửa thế hệ trước là tên lửa Voyevoda ở một số đặc điểm.

Đặc biệt, giai đoạn tăng tốc ngắn của tên lửa Sarmat giúp nó có khả năng nhắm mục tiêu sớm, khiến tên lửa rất khó bị phát hiện sau khi phóng đi và hệ thống phòng thủ của đối phương cũng khó có thể tấn công nó.

Tên lửa này đạn đạo xuyên lục địa Sarmat cũng có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn hơn. “Các nhà phát triển hệ thống tên lửa Sarmat đã thành công trong việc tạo ra các đặc điểm độc đáo của tên lửa mới, khiến khả năng của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện tại và tương lai trở nên vô dụng”, Tướng Karakayev khẳng định.

Là tên lửa tối tân của Nga, tên lửa Sarmat được cho là có thể vượt qua được các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay.

Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ. Một số nguồn tin cho rằng Nga cũng trang bị cho tên lửa Sarmat 24 đầu đạn siêu thanh Yu-74.

Giới chức Nga khẳng định tên lửa có độ chính xác gần như tuyệt đối nhờ sự hỗ trợ dẫn đường từ hệ thống vệ tinh toàn cầu GLONASS, với độ sai lệch tối đa chỉ khoảng 10m.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội hồi năm 2018, Tổng thống Nga Putin gọi đây là tên lửa “bất khả chiến bại”.

Một số nguồn tin khẳng định tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Sarmat của nước này có thể “xé nát” bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Đến diễn đàn kỹ thuật quân sự Armia 2019, các thông số về tên lửa này đã lần đầu được công bố, theo đó, siêu tên lửa Sarmat có chiều dài 35,5m, với tầm bắn 18.000km, trọng lượng phóng là 208,1 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 24.000km/h.

Một quan chức Nga giấu tên cũng khẳng định, đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.

Các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.

Đọc thêm